MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Voi nhà bị ép làm du lịch quá sức ở Buôn Đôn, Đắk Lắk. Ảnh: Thanh Hải

Con voi hay cái ghế giám đốc

Thanh Hải LDO | 05/07/2021 11:55

Đắk Lắk đang xây dựng đề án thành lập Trung tâm Bảo tồn voi và cứu hộ động vật hoang dã trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Bảo tồn voi và Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn. Lập tức đã có đơn thư tố cáo nhau...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, mục tiêu của đơn vị mới thành lập là bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã, voi nhà, cứu hộ động vật hoang dã, phục hồi chức năng và tái thả vào tự nhiên; khôi phục, bảo vệ nguồn gen, động vật thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi...

Việc sáp nhập này cũng nhằm tạo điều kiện để 2 đơn vị hỗ trợ hoạt động cho nhau tốt hơn trong công tác bảo vệ rừng lẫn sinh cảnh rộng lớn của voi nhà.

Tại đề án thành lập Trung tâm Bảo tồn voi và cứu hộ động vật hoang dã, cũng nêu rõ chức vụ giám đốc dự kiến là ông Huỳnh Trung Luân, đang giữ chức Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk.

Nhưng, Trung tâm mới chưa chính thức ra mắt, giám đốc mới chưa có quyết định chính thức thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã nhận được đơn tố cáo ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc và ông Nguyễn Công Chung - Phó giám đốc kiêm Bí thư Chi bộ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk tổ chức và tham gia đánh bài tại cơ quan...

Sở này đã phải thành lập đoàn xác minh và yêu cầu các cá nhân giải trình, đang lập hội đồng, xem xét các vấn đề liên quan cần làm rõ để có cơ sở xử lý...

Cái ghế giám đốc mới của Trung tâm Bảo tồn voi và cứu hộ động vật hoang dã bỗng trở thành tâm điểm quan tâm tại Đắk Lắk, trong khi số phận của những con voi nhà đang héo hon, suy kiệt và chết dần ở cái trung tâm này thì chẳng mấy ai nói đến.

Từ năm 1980, Đắk Lắk có đến 502 con voi nhà, nhưng nay chỉ còn 44 con. Trong đó có 19 con voi đã hơn 40 tuổi không còn khả năng sinh sản. Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk từ khi thành lập cho đến nay được giao nhiệm vụ phát triển đàn voi nhà, nhưng sau hàng chục năm nghiên cứu, trung tâm này vẫn chưa thể giúp đàn voi nhà Đắk Lắk tăng được số lượng.

Mỗi năm ngân sách Trung ương lẫn Đắk Lắk phải chi cả chục tỉ đồng cho công tác bảo tồn, nhưng cũng không cứu vãn được sự suy kiệt về số lượng đàn voi nhà, bởi môi trường sống đã bị thu hẹp. Rừng tự nhiên không còn, trong khi đó việc khai thác, đối xử với voi nuôi thì thậm tệ.

Không chỉ bị cưỡng ép tải khách du lịch, voi nhà còn bị cưa ngà, nhổ lông đuôi để làm nhẫn đeo tay, bán cho những người có quan niệm mê tín lạc hậu... Thiếu thức ăn, thuốc chữa bệnh từ cây lá rừng tự nhiên đã làm voi suy kiệt, mất khả năng sinh trưởng cũng như sinh nở. Rừng Buôn Đôn liên tục bị tấn công, tàn phá, suy kiệt...

Sáp nhập Trung tâm Bảo tồn voi và Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn rõ ràng là giải pháp hài hòa, không chỉ sẽ tiết kiệm ngân sách, nhân sự, cải cách các thủ tục hành chính... mà còn giải quyết được nhiều mâu thuẫn, bất cập trong công tác bảo tồn voi, bảo tồn rừng và thiên nhiên hoang dã để vừa phát triển đàn voi nhà lẫn voi rừng và sinh cảnh tự nhiên ở Buôn Đôn. Vì vậy, vấn đề nên quan tâm, bàn luận là những kế hoạch cho tương lai của rừng Buôn Đôn, của các cá thể voi nhà và cả những đàn voi hoang dã ở đây chứ không phải cái ghế giám đốc mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn