MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cộng đồng không thể quỳ gối trước bạo lực

Lê Thanh Phong LDO | 25/03/2018 09:54
Sáng 22.3, phụ huynh tên Nghĩa có con theo học tại trường mầm non Việt - Lào đã tới trường chửi bới, hành hung nữ sinh viên 21 tuổi thực tập tuần thứ 5 tại trường vì cho rằng người này đánh con mình bầm chân.

Sau khi đe dọa, bắt sinh viên quỳ xin lỗi, mặc dù bị một số giáo viên khác can ngăn và cảnh báo nữ sinh đang mang bầu, bà Nghĩa vẫn lao vào tấn công.

Bà Nghĩa bắt giáo viên quỳ xin lỗi, mặc dù bị một số giáo viên khác can ngăn và cảnh báo giáo viên thực tập đang mang bầu, bà Nghĩa vẫn lao vào tấn công.

So với vụ phụ huynh bắt giáo viên quỳ ở Long An, vụ này còn kinh khủng hơn. Phụ huynh đe doạ, dùng bạo lực tấn công nữ giáo viên thực tập trước mọi người, bất chấp can ngăn.

Sau vụ phụ huynh bắt cô giáo quỳ ở Long An, nhiều tiếng nói phản đối, lên án hành vi của các phụ huynh đó. Nhưng cho dù cả cộng đồng lên án, thì vẫn có những người không thấy đó là hành vi phi đạo đức, họ vẫn tấn công giáo viên.

Ngày xưa, xã hội rất tôn trọng người thầy, nhà ai có con cái làm giáo viên, thì đó là vinh dự. Ngành sư phạm được đề cao, người giỏi mới học sư phạm, ra đời làm thầy, dạy chữ và dạy đạo đức cho học trò. Ngày nay, ngành sư phạm bị xem là cùng đường, không còn cửa nào mới chọn cửa sư phạm.

Vì sao vậy, tốt nghiệp sư phạm không dễ tìm việc làm. Muốn được việc phải chạy tiền. Có việc thì lương không đủ sống, nghề giáo nghèo nên bị xã hội xem thường.

Hãy nhìn 500 giáo viên ở Đắk Lắk thì rõ, mất việc, khóc hết nước mắt. Đi dạy tuy không đủ sống nhưng dù sao cũng có cái để tồn tại, bị mất việc thì lấy gì để sống. Chưa kể, nghèo như vậy mà vẫn phải bỏ tiền lớn ra chạy, thông tin này cần điều tra làm rõ, nhưng khả năng "tham nhũng vặt" rất cao.

Phân tích trên để chỉ ra nguyên nhân ngành sư phạm bị rẻ rúng vì nhiều người quan niệm nghề giáo nghèo. Nhưng không chỉ thế, môi trường sư phạm bị bạo lực xâm nhập vì đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng.

Đâu chỉ nghề giáo, bác sĩ, nhà báo, thậm chí cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ cũng bị côn đồ tấn công. Vậy thì, nạn bạo hành học đường cũng là một "vùng ô nhiễm" trong môi trường xã hội bị "ô nhiễm bạo lực".

Nghiêm trị những kẻ côn đồ tấn công giáo viên là cần thiết, nhưng đó là xử cái ngọn. Gốc rễ là giáo dục cho học sinh và toàn xã hội truyền thống tôn sư trọng đạo.

Và việc quan trọng và căn bản nhất, đó là bài trừ bạo lực bằng xây dựng một xã hội lành mạnh, công dân có đạo đức, tôn trọng pháp luật.

Không phải giáo viên, mà cộng đồng không thể quỳ gối trước bạo lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn