MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây xăng ở TPHCM, hoặc treo biển hết hàng, hoặc đông nghẹt. Ảnh: Ngọc Lê

Công khai treo biển hết xăng - sự bất lực trong quản lý?

Đào Tuấn LDO | 10/10/2022 10:25

Dân, giữa đêm, ùn ùn xếp hàng… đổ xăng, vì sợ hết. Xe bồn, được tăng cường chở xăng, cũng giữa đêm. Cây xăng thì… đàng hoàng treo biển hết hàng. Tình trạng ở ngay TPHCM chứ chẳng phải rừng xanh núi đỏ gì hết.

80 xe bồn được tăng cường để bù đắp cho việc các cửa hàng xăng dầu lân cận đóng cửa. Ngay trong đêm.

Tại các cây xăng “còn hàng”, lúc nào cũng trong tình trạng “cả trăm người dân xếp hàng chờ đổ xăng”, vì sợ hết. Xếp hàng 20-30 phút. Chờ đến 22h, giờ cây xăng... đóng cửa. Tức là cũng giữa đêm.

Căng thẳng và stress đến mức khách cầm dao rượt đuổi nhân viên cây xăng vì phải chờ đợi quá lâu.

Và đáng chú ý nhất, rằng đây là tình trạng xảy ra ở ngay TPHCM. Sau khi lần lượt miền Tây, cao nguyên, miền núi - khắp nơi cây xăng treo biển hết hàng trong tình trạng khan hiếm xăng dầu đã đến mức báo động.

Nguyên nhân, vẫn chẳng gì lạ: Chiết khấu bị kêu quá thấp, hoặc bằng 0 đồng.

Cần phải nói thẳng với nhau, rằng: Đời sống, công việc của hàng chục triệu người dân, và “đầu vào” của cả nền kinh tế... đang bị bắt làm con tin khi các cây xăng gây sức ép đòi tăng chiết khấu.

Cũng cần phải nói thẳng với nhau, việc các cây xăng... đàng hoàng treo biển hết hàng, bất chấp các đoàn thanh kiểm tra của Quản lý thị trường vác thước xuống đo tận nơi, cho thấy sự bất lực trong quản lý.

Hôm 7.10, một văn bản từ Bộ Tài chính đã “chẻ hoe” tình trạng chiết khấu giảm của một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu là do “Sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho của thương nhân đầu mối giảm”.

Theo Bộ Tài chính: Nhận định của Bộ Công thương cho rằng việc chưa điều chỉnh premium (phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam) trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế; nhiều cửa hàng bán lẻ không có chiết khấu để đảm bảo chi phí, duy trì hoạt động kinh doanh là chưa đủ cơ sở và chưa đúng với thị trường.

Bộ Tài chính đã đúng. Nhà nước không và không thể quy định mức chiết khấu xăng dầu. Bởi đây là thoả thuận giữa thương nhân nhập khẩu và đại lý, cửa hàng bán lẻ.

Lưu ý rằng, ngoài 30-35% thuế phí, mỗi lít xăng mà người dân và nền kinh tế tiêu dùng đang phải gánh 4-5% các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức và cả chi phí vận chuyển.

Và không thể chấp nhận thêm cả chiết khấu, quy số tuyệt đối, để người bán được hưởng trong mỗi lít/kg sản phẩm bán ra, bất kể tình hình thị trường, bởi như thế, xăng dầu sẽ lại nặng thêm trong chi phí người tiêu dùng và cả nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn