MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Công viên 1.000 tỉ đồng bỏ hoang. Ảnh: Văn Trực

Công viên phần mềm 1.000 tỉ bỏ hoang, mỗi ngày trôi qua lãng phí đống tiền

Lê Thanh Phong LDO | 06/11/2023 05:57

Dự án Công viên Phần mềm 1.000 tỉ đồng (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) xây xong lại trở thành bãi hoang vì không hoạt động.

Dự án Công viên Phần mềm số 2 (giai đoạn 1) với diện tích hơn 28.000m2 được khởi công tháng 10.2020, dự án dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023.

Khi thực hiện dự án, những viễn cảnh được vẽ ra rất hấp dẫn, ví dụ như sẽ đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí làm việc về công nghệ thông tin, công nghệ số.

Thực tế lại là, Công viên phần mềm số 2 trở thành bãi hoang, khu vực xung quanh trở thành nơi tập kết rác thải. Lý do là vì khu Công viên Phần mềm số 2 được xác định là tài sản công, nhưng hiện nay, quy định pháp luật, hành lang pháp lý về tài sản công, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin chưa được Chính phủ ban hành.

Thế là vướng mắc pháp lý, nhưng vì sao vướng?

Là vì khi thực hiện dự án, lãnh đạo địa phương không nghiên cứu trước nên không biết được thiếu các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động liên quan đến dự án. Đến khi xây xong thì mọi sự đã lỡ, lui không được, tới không xong.

Xin thưa, 1.000 tỉ đồng tài sản công không phải chuyện chơi. Mỗi ngày dự án không hoạt động, lãng phí số tiền rất lớn.

Đó là lãng phí do dự án không được đưa vào khai thác. Đó là lãng phí do dự án bỏ hoang, hư hại xuống cấp. Đó là để chậm trễ kéo dài, mất hết các cơ hội triển khai cho doanh nghiệp hoạt động, chưa kể sẽ bị lạc hậu, về sau phải thay đổi dẫn đến đội vốn.

Trước một đống tài sản phơi nắng mưa thì việc quan trọng là phải giải quyết các vướng mắc để dự án Công viên phần mềm số 2 đi vào hoạt động. Chậm một ngày là lãng phí tiền của một ngày, huống chi kéo dài tháng này qua năm khác.

Tháo gỡ bằng cách nào? Sau khi Đà Nẵng kiến nghị đến Thủ tướng về những vướng mắc pháp lý của dự án, đến tháng 3.2023, Thủ tướng đã cho phép Đà Nẵng bổ sung nội dung này vào Nghị định 144 về một số cơ chế đặc thù.

Để một nghị định được ban hành, không phải là ngày một ngày hai, mà cần thời gian để các bộ, ngành liên quan tham gia xem xét, có ý kiến và thống nhất nội dung.

Một công trình nghìn tỉ đồng, dù chưa nghiên cứu về pháp lý kỹ lưỡng, vẫn cứ làm lấy được, nay dự án bị ngâm chờ tháo gỡ, không biết đến khi nào mới gỡ xong.

Vậy thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm về hậu quả này?

Tất nhiên là những cá nhân đặt bút ký duyệt triển khai thực hiện dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn