MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ nhỏ cần phải tiêm vắc- xin ngừa bệnh bạch hầu nguy hiểm. Ảnh minh hoạ của TT

COVID-19 không ai tử vong, bạch hầu đã cướp đi sinh mạng 3 trẻ nhỏ

Lê Thanh Phong LDO | 07/07/2020 10:21

Đừng coi thường bệnh bạch hầu. Hãy nhìn mà xem, COVID-19 phòng chống cẩn thận nên ngăn chặn được dịch, không ai tử vong. Còn với bệnh bạch hầu, đã có nhiều trẻ tử vong.

Vậy thì sự nguy hiểm không phải chỉ từ tác nhân bên ngoài, mà còn do sự phòng bệnh của chính mỗi người.

Chỉ trong vòng ba ngày, tại xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) ghi nhận 10 ca nhiễm, trong đó bé trai 4 tuổi tử vong. Trong tháng 6, tỉnh Đăk Nông cũng ghi nhận 16 ca, trong đó 2 ca tử vong. Tỉnh Kon Tum phát hiện 8 ca từ đầu năm đến nay.

Những con số này nói lên một điều, không thể coi thường bệnh bạch hầu, nếu bị lây nhiễm, tỉ lệ tử vong rất cao.

Chúng ta vừa vượt qua thảm họa COVID-19, và khi đã từng đối mặt với một cơn đại dịch khủng khiếp gọi là "chống dịch như chống giặc", thường có tâm lý nghỉ ngơi sau một cuộc chiến. Hơn thế nữa, khi đã chiến thắng một "đại địch", chúng ta  hay xem thường những kẻ địch được xem là thấp cơ hơn.

Và hình như, chúng ta đang xem cái đám bạch hầu này là tiểu địch chứ không phải đại địch, cho nên không đề phòng, đã để xảy ra thương vong.

Chưa kể, có thể dịch bệnh bạch hầu có thể bùng phát.

Trong đại dịch COVID-19, y bác sĩ Việt Nam nỗ lực cứu nhiều bệnh nhân bị nhiễm bệnh, trong đó có bệnh nhân nước ngoài. Mạng người quý giá, còn nước còn tát, tận tâm tận lực để cứu một con người, điển hình như bệnh nhân 91. Vậy thì chúng ta không thể để người nhiễm bệnh bạch hầu tử vong, phải phòng chống thật hiệu quả và cứu sống người nhiễm bệnh bằng mọi giá.

Đừng chủ quan, phải bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của người dân, đặc biệt là trẻ em.

Sau khi có 10 ca nhiễm bệnh bạch hầu, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa phải nghỉ học một tuần. Đây là quyết định chính xác, cũng như dịch COVID-19, cho nghỉ học là cách phòng lây lan tốt nhất.

Theo các chuyên gia y khoa, vi khuẩn bạch hầu cũng xảy ra dễ dàng qua đường các hạt dịch hô hấp bắn ra từ người bệnh, và vi khuẩn này có khả năng tự sống sót độc lập trong môi trường ngoài cơ thể vật chủ tốt hơn, từ 7 ngày cho đến 6 tháng. Từ đó tăng cơ hội nhiễm sang người khác hơn nếu vùng có người bị nhiễm bệnh không được làm vệ sinh tiệt trùng kỹ.

Khuyến cáo này nhắc nhở về một điều đã cũ, đó là ăn ở vệ sinh, sinh hoạt vệ sinh, bảo vệ môi trường sống sạch sẽ, an toàn.

Và chỉ mới đây thôi, ai cũng chú trọng rửa tay vì sợ con corona, nhưng khi dịch COVID-19 qua rồi, mỗi người tự hỏi xem, có mấy ai rửa tay, hay đã quên mất rồi.

Hãy tập thói quen rửa tay, sống vệ sinh, ăn uống vệ sinh.

Và để phòng các loại dịch bệnh như bạch hầu, tất cả các ông bố bà mẹ đừng quên cho con đi tiêm chủng vaccine.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn