MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bắc Giang hiện có 6 khu công nghiệp. Ảnh: BQL KCN Bắc Giang/LĐO

COVID-19, vải thiều, thương gia và 24 vạn công nhân

Anh Đào LDO | 16/05/2021 10:55

190 thương nhân Trung Quốc đã được sự đồng ý từ các cấp có thẩm quyền để vào thu mua vải thiều ở Bắc Giang trong chính giữa bối cảnh tỉnh có tới 3 ổ dịch mà 2 trong đó cực kỳ phức tạp.

Riêng tại huyện Lục Ngạn, sản lượng vài thiều năm nay ước đến 120.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với năm ngoái.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho biết: Huyện đã chuẩn bị 8 khách sạn và nhân lực để đưa đón và cách ly thương nhân nước ngoài đến thu mua vải thiều. Thời gian cách ly thương nhân nước ngoài là 21 ngày, kiểm tra y tế và giám sát hằng ngày. Sau khi hết 21 ngày cách ly, các thương nhân nước ngoài tiếp tục được theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.

Nói thêm, vụ vải thiều năm ngoái, Bắc Giang thu ngót 7.000 tỉ đồng từ việc tiêu thụ 165.000 tấn vải thiều.

Một bài toán đang được đặt ra: Giữa một bên là nguy cơ dịch bệnh với 3 ổ dịch cùng hàng loạt khu vực phải phong toả và một bên là tiêu thụ vải/phát triển kinh tế.

Nhưng thật ra, không có bài toán nào như thế cả.

Chính phủ vẫn kiên trì với mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Nói ngay như trường hợp Bắc Giang, 50% sản lượng vải thiều, một nửa của 7.000 tỉ đồng năm ngoái là xuất khẩu.

Nếu vì sợ hãi mà đóng cửa luôn cả đối với thương nhân thì có khác gì sẽ lại phải đi bằng một chân, lại phải kêu gọi giải cứu.

Trong cuộc họp khẩn với đoàn công tác của Bộ Y tế tối qua (15.5), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương có nói một ý thể hiện rất rõ quan điểm của địa phương: “Bắc Giang sẽ họp để xem doanh nghiệp nào có đủ điều kiện hoạt động thì cho tiếp tục hoạt động, tinh thần không đóng cửa khu công nghiệp nhưng đóng cửa doanh nghiệp nhỏ để bảo vệ doanh nghiệp lớn”.

Bắc Giang có hơn 240.000 công nhân đang làm việc tại 6 khu công nghiệp trong tỉnh. Riêng Khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên) - nơi xuất hiện ổ dịch Công ty Shin Young - có 90.000 lao động, hàng trăm doanh nghiệp hoạt động.

Không thể xem thường dịch bệnh khi mà hậu quả của nó gây ra có thể phải trả với những cái giá đắt, đắt đến mức tiền cũng không mua nổi.

Nhưng cũng không thể vì quá sợ hãi mà ngăn sông cấm chợ, mà đóng, mà khoá.

Nếu mỗi quyết định được nâng lên đặt xuống, trên cơ sở thấu hiểu được nỗi khó, nỗi khổ của doanh nghiệp, của người dân, nếu thấm thuần cái được, cái mất từ chuyện cấm, đóng, khoá… chắc chắn những chính sách, quyết định đến số đông, đến nền kinh tế ấy sẽ đạt được sự đồng thuận trong dân, trong doanh nghiệp.

Bởi khi ấy, họ sẽ hiểu được rằng, sự hy sinh thiệt thòi trước mắt của họ hôm nay là vì chính họ, vì cái lớn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn