MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cứ đúng luật mà làm

ANH ĐÀO LDO | 01/09/2019 07:00

6 năm qua, mọi hàng hóa đều biến động tăng, chỉ riêng mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là y nguyên. Sự lạc hậu ấy là rất thiếu công bằng.

Giá bán lẻ điện bình quân năm 2013 là 1.508,85 đồng/kWh. Và nay, đã tăng lên 1.864,44 đồng/kWh. Giá vàng SJC tại thị trường miền Bắc năm 2013 ở mức 34,85 triệu đồng/lượng. Hôm nay, đã vượt mốc 43 triệu đồng/lượng. Năm 2013, tỉ giá USD/VND ở mức 21.085 đồng/USD. Tỉ giá hôm nay: 23.140 đồng/USD.

Năm 2013, giá giường bệnh từ 40.000 đồng đến tối đa 300.000 đồng/ngày. Năm nay, giá được “điều chỉnh” từ 900.000 đồng - 1,3 triệu đồng/ngày. Chưa kể giá “theo yêu cầu” có thể tới 4 triệu đồng/giường/ngày.

Năm 2013, mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà từ 4,85 cho đến 6,85 triệu đồng/năm. Năm nay, mức trần học phí, chẳng hạn các khối ngành, chuyên ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản ở mức 890.000 đồng/sinh viên nhưng là... mỗi tháng.

Năm 2013, mức lương tối thiểu vùng từ 1,650 đến 2,350 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay: Từ 2,760 đến 3,960 triệu đồng/người/tháng.

Tất cả những con số đó chứng tỏ điều gì? Chứng tỏ mọi thứ đều tăng, mọi chi phí sinh hoạt đều đắt đỏ hơn, trừ lương là tăng không tương xứng, trừ mức giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN từ 2013 tới giờ vẫn y nguyên (9 triệu đồng/tháng chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế và 3,6 triệu/tháng, giảm trừ cho người phụ thuộc).

Chúng ta có thể nuôi một đứa trẻ với 3,6 triệu đồng khi mà Hà Nội và TPHCM chẳng hạn, đã lọt vào top đắt đỏ? Khi mức 9 triệu đồng không đủ nuôi chính người nộp thuế?

Chính Bộ Tài chính cũng đã nhìn ra sự lạc hậu ấy. Một quan chức Bộ Tài chính xác nhận: Luật Thuế TNCN hiện hành quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động ở mức cao hơn 20% thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Và sau 6 năm CPI đã biến động cao hơn 20% nhiều.

Nếu không phù hợp thì phải sửa, chứ đừng để đến lúc người dân phải kêu. Đó mới thực sự là vì dân.

Hãy xem việc sửa Thuế thu nhập cá nhân là một ưu tiên và không thể chậm hơn được nữa. Bởi đó chính là sự công bằng với những người dân hàng ngày đang nỗ lực đóng thuế. Bởi câu chuyện CPI biến động cao hơn 20% chỉ là “theo luật”. Cái chính là thuế, thay cho sự bóp nặn, phải đảm bảo nguyên tắc mức giảm trừ gia cảnh phải đảm bảo để người nộp thuế chi trả được những nhu cầu tối thiểu nhất của cuộc sống, trong đó có việc nuôi nấng con cái... rồi mới phải nộp thuế.

Huống chi, việc sửa luật thuế thu nhập cá nhân, nói như nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Trần Xuân Thắng, chỉ cần “Cứ đúng luật mà làm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn