MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà cao tầng xây dựng trái phép mọc lên bề thế, hoành tráng. Địa điểm này chỉ cách trung tâm UBND xã Minh Trí, Sóc Sơn khoảng 6km. Ảnh Cao Nguyên

Cưỡng chế biệt thự trái phép ở Sóc Sơn, phải xử lý những người cho nó mọc lên

Lê Thanh Phong LDO | 17/08/2023 09:00

Từ cuối năm 2022 đến nay, trên địa bàn có thêm 6 trường hợp mới vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp, vi phạm trong lĩnh vực đất đai ven hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, hàng loạt các công trình biệt thự, villa, homestay trái phép đang được xây dựng như nấm mọc sau mưa ở ven hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) với mật độ dày đặc.

Dự kiến trong tháng 8 và tháng 9, UBND huyện Sóc Sơn sẽ phá dỡ 5 công trình vi phạm xây dựng. Đây là những công trình xây dựng dọc con đường bê tông ở xóm Ban Tiện, xã Minh Phú, nơi vừa xảy ra vụ đất đá vùi lấp hàng chục ôtô. Tuy chưa có kết luận chính thức nhưng xây dựng trái phép, can thiệp vào đất rừng là một nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở vừa qua.

Các biệt thự, homestay ở lưng chừng đồi Dõng Chum được xây dựng kiên cố, cao từ 2 đến 3 tầng. Có biệt thự xây cả bể bơi, biệt thự nào cũng kín cổng cao tường, hàng rào bề thế.

Xây dựng một homestay, biệt thự hoành tráng như vậy, kéo dài cả năm, thậm chí nhiều hơn, với nhiều công đoạn, chưa kể nhiều người tự ý làm đường, kéo điện thì chính quyền địa phương không thể không biết.

Nhưng tại sao có nhiều công trình xây dựng trái phép mọc lên mà chính quyền không ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu. Đến nay, tổ chức cưỡng chế là thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, nhưng cũng gây là sự lãng phí rất lớn cho xã hội.

Tình trạng này tương tự như ở Phú Quốc, đã để cho gần 80 căn biệt thự trái phép mọc lên, đến khi báo chí điều tra, phản ánh, thì chính quyền triển khai cưỡng chế. Cho dù tháo dỡ xong thì rừng núi cũng tan hoang, không còn lành lặn như thiên nhiên vốn có.

Đã cưỡng chế, tháo dỡ là tháo dỡ hết tất cả các công trình xây dựng trái phép ở Sóc Sơn, bất luận tài sản đó là của ai, quyền lực đến đâu. Không chỉ tháo dỡ, mà bắt buộc các chủ biệt thự đó phải bỏ chi phí để phục hồi phần nào đất rừng, có như vậy mới công bằng và hạn chế được tình trạng này.

Chủ của nhiều biệt thự ở đây đã chuyển đất rừng phòng hộ là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nhưng họ vẫn cứ coi thường pháp luật, làm những công trình trái phép ngang nhiên như ở chỗ không có chính quyền.

Vậy thì chính quyền ở đâu, phải có cá nhân chịu trách nhiệm đối với những công trình xây dựng trái phép ở Sóc Sơn.

Chưa kể, phải công khai những căn biệt thự, homestay này là của ai, trong đó có ai là cán bộ, quan chức hay không?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn