MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cứu các dòng sông chính là thêm liều thuốc bổ cho phát triển kinh tế

Hoàng Lâm LDO | 08/06/2024 06:00

Sông Nhuệ ở Hà Nội được cho là điển hình của một con sông vốn đẹp đẽ, nên thơ trở thành dòng sông chết, nỗi ám ảnh của người dân xung quanh.

Chỉ khoảng 20-30 năm trước, sông Nhuệ đoạn qua thị xã Hà Đông đẹp tới mức người ta còn làm hẳn một vườn hoa ven sông và những quán cà phê thơ mộng. Vài chục năm trở lại đây thì không còn cảnh này bởi dòng sông thơ mộng ngày nào, giờ nước đen kịt, hôi thối tới mức những người ở xung quanh dọc sông đã không ít người phải bán nhà. Sông Nhuệ thành sông nước thải của hàng chục vạn gia đình phía Tây thành phố.

Năm ngoái, Hà Nội đã có dự án cải tạo sông Nhuệ với ý tưởng táo bạo là xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, (giai đoạn 1 tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng) lấy nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ với lưu lượng 70 m3/s, cấp nước tưới tiêu kết hợp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và các sông thuộc nội thành Hà Nội.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng cho rằng, đây là dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi nên mục tiêu hàng đầu không phải là xử lý làm sạch nước sông Nhuệ mà để phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp kết hợp tiêu thoát nước đô thị, là một bước góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nông thôn và đô thị cho thành phố. Dự án vừa có tính chất là công trình phòng chống lụt bão để chủ động với biến đổi khí hậu, vừa có vai trò cải thiện môi trường, mang lại lợi ích về mặt kinh tế xã hội.

Cứu được sông Nhuệ, cũng sẽ phải cứu cùng lúc hàng loạt con sông khác của Hà Nội như Tô Lịch, Kim Ngưu vì liên thông với nhau. Không chỉ là lợi ích thấy ngay về môi trường, nông nghiệp mà xa hơn còn là câu chuyện phát triển kinh tế với loại hình du lịch sông giữa lòng thành phố.

Trong quá trình phát triển, với việc để các con sông ô nhiễm nặng, Hà Nội đã đánh mất tiềm năng này và để khôi phục là điều rất khó khăn.

Cứu những con sông đã chết thì việc đầu tiên phải quản lý tốt khâu xử lý nước thải từ đầu nguồn. Như vậy, thành phố cần thu gom nước thải hai bên bờ sông do sinh hoạt sản xuất thải ra.

Đồng thời, xử lý chặt đứt nguồn thải để không còn nước thải không đạt tiêu chuẩn đổ ra sông cũng như cần tiến hành nạo vét thường xuyên, những chất bẩn, bùn bẩn thì được mang đi xử lý đúng quy định.

Mới rồi trên nghị trường Quốc hội, khi trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có nói rằng: Bộ cũng đang xây dựng đề án thí điểm xử lý vấn đề ô nhiễm với dòng sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy.

Hy vọng dần sáng rõ và việc xử lý ô nhiễm những con sông như sông Nhuệ sẽ đem lại những kinh nghiệm và bài học để cứu những dòng sông chết.

Những dòng sông sống lại cũng chính là thêm liều thuốc để phát triển kinh tế Thủ đô, phát huy lợi thế mà không phải nơi nào cũng có được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn