MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ sạt lở ở Đà Lạt. Ảnh: Hữu Long

Đà Lạt sạt lở, ngập lụt, hậu quả của quản lý yếu kém

Lê Thanh Phong LDO | 30/06/2023 21:25

Sau trận ngập ngày 23.6, Đà Lạt lại xảy ra vụ sạt lở làm 2 người tử vong và nhiều người được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

Khó ai có thể hình dung được thành phố cao nguyên Đà Lạt lại bị ngập lụt, nhưng điều đó đã xảy ra. Với thực trạng quản lý hiện nay, người dân Đà Lạt sẽ phải đối phó với những trận ngập lụt sắp tới. Có thể sẽ ngập sâu hơn, kéo dài thời gian hơn và dày đặc hơn.

Đã có nhiều câu hỏi nêu ra, Đà Lạt là thành phố cao nguyên, sườn núi, đồi dốc, có nhiều suối, hồ lẽ ra rất dễ thoát nước, nhưng tại sao lại ngập?

Thành phố cao nguyên, có nhiều rừng thông, nhưng rừng bị phá rất nhiều, nước tràn về nhanh là chuyện đương nhiên.

Có nhiều đồi dốc, suối hồ, nhưng hệ thống thoát nước lạc hậu, nước không thoát được là chuyện đương nhiên.

Có nhiều hệ thực vật, nhưng bị phá làm nhà cửa, công trình. Cả thành phố bị bê tông hóa thì mưa xuống là ngập, cũng là chuyện đương nhiên.

Quá trình bê tông hóa đô thị nhanh ngoài sinh ra ngập lụt, còn là nguyên nhân dẫn đến sạt lở và vụ sạt lở xảy ra ngày 29.6, tại đường Hoàng Hoa Thám, phường 10 là một tiếng cảnh báo dữ dội cho chính quyền và người dân Đà Lạt.

Không chỉ một khu đất này, mà nhiều căn nhà, biệt thự được xây dựng chen chúc, dày đặc ở các sườn đồi. Với kỹ thuật xây dựng không đảm bảo tiêu chuẩn, thì chuyện sạt lở là hoàn toàn có thể.

Sau vụ sạt lở, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ. Ông Trần Văn Hiệp yêu cầu rà soát toàn bộ giấy phép xây dựng của các công trình ở khu vực xảy ra sạt lở, nếu có sai phạm để gây ra tai nạn thì sẽ xử lý nghiêm.

Nhưng không chỉ một khu vực, mà nhiều khu vực khác ở thành phố Đà Lạt đều có nguy cơ sạt lở, cần rà soát về công tác cấp phép xây dựng.

Ai có thể trả lời được có bao nhiêu căn nhà, căn biệt thự xây dựng trên các sườn đồi của thành phố Đà Lạt không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật? Chắc chắn không thể biết được, và đó chính là điều rất nguy hiểm.

Rừng bị phá, hệ thống thoát nước lạc hậu, bê tông hóa đô thị, xây dựng dày đặc, tất cả đều là sản phẩm quản lý của chính quyền. Các sản phẩm chất lượng kém được tạo ra từ nhiều thế hệ lãnh đạo, phá dần cảnh quan xinh tươi thơ mộng, bê tông hóa màu xanh của xứ sở này.

Không thể cứu các cánh rừng đã mất, không thể tái tạo lại những thảm xanh đã bị bê tông hóa, nhưng có thể xây dựng hệ thống thoát nước đủ để... thoát được nước.

Không thể đập bỏ hết những công trình nhà ở, biệt thự dày đặc, nhưng có thể kiểm tra chất lượng kỹ thuật, kết cấu công trình và xử lý sai phạm. Đừng để thêm một vụ sạt lở gây thiệt hại về người và của như vừa xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn