MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có những năm ngành Thuế phát hiện tới 4.700 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Ảnh minh hoạ: DNCC

Đa phần doanh nghiệp FDI lỗ không biết chán! Điều gì đang xảy !???

Anh Đào LDO | 04/02/2023 21:12

Hơn 14.100 doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam báo lỗ, có nghĩa là tới hơn một nửa báo lỗ. Thậm chí lỗ đến mất vốn. Và có những “đại bàng” chỉ góp ngân sách được 2 tỉ đồng.

Con số 14.100 doanh nghiệp FDI (DN FDI) báo lỗ là từ báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của hơn 26.000 DN FDI.

Theo đó, tổng tài sản của khối DN này đã tăng 13%, đạt 8,8 triệu tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng tăng 12,3%, đạt 3,6 triệu tỉ đồng.

Tổng tài sản tăng, vốn tăng, nhưng nợ phải trả cũng tăng, ở mức 14,7%, lên tới 5,2 triệu tỉ đồng.

Nếu số đo đóng góp của một doanh nghiệp được tính trên số tiền nộp ngân sách nhà nước (NSNN), thì theo Bộ Tài chính, số nộp NSNN của khối DN này hoàn toàn không tương xứng với tổng mức đầu tư.

Chẳng có gì lạ khi trên báo cáo tài chính, hơn 14.100 DN này báo lỗ tới hơn 168.000 tỉ đồng.

Trong “black list” thua lỗ, có lẽ phải nói đến 2 cái tên Lotte Việt Nam và Shopee.

Lotte lỗ 821 tỉ đồng năm 2021. Số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 200%. Có nghĩa là DN này đang sử dụng nợ để tài trợ cho tài sản và các chỉ số sinh lợi âm do Lotte hoạt động thua lỗ 2 năm liên tiếp.

Năm 2018, dư luận từng xôn xao khi Lotte Mart, tính đến thời điểm đó đã lỗ đến năm thứ 11 liên tiếp, với tổng lỗ tương đương 2.300 tỉ đồng.

Còn Shopee, dù được cho là hưởng lợi từ bối cảnh dịch bệnh, nhưng lại đang báo lỗ rất khủng. Và con số đóng góp vào NSNN chỉ 48 tỉ đồng.

Đóng góp cực kỳ hạn chế, trong khi Shopee doanh thu 2.329 tỉ đồng, đứng thứ 2 trong tổng doanh thu của nhóm ngành Viễn thông phần mềm.

Câu chuyện của Lotte, của Shopee, cũng như Metro, hay Big C trước đây cho thấy, dành quá nhiều ưu đãi để thu hút FDI có quy mô vốn lớn “chưa hẳn là đã có đóng góp tích cực hơn vào nguồn thu NSNN”- (ngoặc kép là nhận định của Bộ Tài chính).

Có hai vấn đề nhất thiết phải đặt ra: Đó là phải làm rõ những nghi vấn về trốn thuế, né thuế, chuyển giá của nhiều DN khối FDI. Và quan trọng hơn, là phân bổ nguồn lực hiệu quả, đảm bảo cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển.

Chúng ta không thể mãi trải thảm đỏ biệt đãi “đại bàng”, với tình trạng lỗ triền miên, lỗ hàng chục năm, lỗ không biết chán, không biết ngượng. Trong khi lại không dành nguồn lực tương ứng tới kinh tế tư nhân, tới “chim sẻ” - khu vực đang đóng góp gần 40% GDP, thu hút đến 85% lực lượng lao động và tỉ lệ nộp thuế thu nhập hàng đầu: Chiếm tới 34,1% tổng thuế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn