MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại án kit test Việt Á liên quan đến hành vi nhận hối lộ của hàng loại cán bộ cấp cao ngành Y tế. Ảnh: LĐ

Đại án tham nhũng - Khâu "phòng" quan trọng không kém khâu "chống"

Trung Hiếu LDO | 06/06/2022 20:06
Số tiền mà các bên được hưởng trong phi vụ kit test Việt Á và các chuyến bay “giải cứu” trong đại dịch COVID-19 được đại diện Bộ Công an công bố trong cuộc họp báo Chính phủ cách đây hai ngày, khiến người dân giật mình, khi mỗi vụ lên con số hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng được chia chác cho nhau.

Đại diện Bộ Công an gọi sự kiện này là đưa, nhận hối lộ; dân gian thì gọi là lại quả, bôi trơn… Tuy vậy, bản chất của vụ việc nêu trên là một vụ áp-phe, được tính toán, kết cấu chặt chẽ giữa các bên, nhằm bòn rút đồng tiền ngân sách; của người dân, trong hoàn cảnh đất nước đối diện vô vàn khó khăn.

Trong cuộc họp báo nói trên, đại diện Bộ Công an còn thông tin thêm về vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại Tập đoàn FLC; lừa đảo và chiếm đoạt tài sản tại tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng với đó là vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Trí Việt và Louis Holdings… cùng con số thiệt hại túi tiền người dân và Nhà nước cũng không phải nhỏ. Kết luận, đại diện Bộ Công an khẳng định, trong các vụ án này, “dòng tiền là yếu tố quan trọng”.

Phanh phui các vụ đại án gần đây, người dân đặt lòng tin mạnh mẽ vào thái độ không khoan nhượng trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, dù cá nhân vi phạm ở bất kỳ vị trí nào. Thế nhưng ở khía cạnh khác cho thấy, công tác “phòng” trong chống tham ô, tham nhũng xem ra còn nhiều điều cần phải suy nghĩ.

Sau hàng chục năm xây dựng nền tư pháp đất nước với một hệ thống văn bản pháp luật, cơ quan tố tụng gần như hoàn chỉnh để chống các hành vi vi phạm pháp luật. Song hành để “phòng” là hệ thống cơ quan kiểm soát chặt chẽ, từ cấp cơ sở lên đến Trung ương, nhằm hạn chế tiêu cực trong công vụ từ khi còn ở mức… hiện tượng.

Những đại án được cơ quan Công an phát hiện ngày càng nghiêm trọng với số tiền thất thoát lớn cùng với nhiều cán bộ, công chức liên quan, kể cả cán bộ ở cấp cao và không loại trừ lĩnh vực nào. Vậy khoảng trống ở đâu trong hệ thống kiểm soát, cho đến khi cơ quan pháp luật vào cuộc thì vụ việc mới được phanh phui.

Đại án xảy ra, tài sản thất thoát đã đành; lòng tin người dân giảm sút; nhưng hơn hết, tiền của, tâm sức của nhà nước, nhân dân vun trồng cho con người, trong đó nhiều cán bộ, công chức có trình độ năng lực đã không thu hái được quả ngọt như mong muốn.

Đó cũng là một phí phạm quá lớn tài sản con người, và tin rằng, nếu hệ thống kiểm soát quyền lực hiệu quả, bên cạnh nền tư pháp nghiêm minh, thì xã hội đã không xảy ra những mất mát như những gì đã, đang diễn ra trong một số cơ quan công quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn