MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại Thủy nông Ia Mơr đang đối diện nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ tưới hơn 12.500 ha đất nông nghiệp ở Tây Nguyên. Ảnh: TT

Đại thủy nông Ia Mơr (Gia Lai)- Tiến thoái lưỡng nan!

Trung Hiếu LDO | 14/06/2022 07:26

Mùa khô Tây Nguyên làm nhiệt độ ngoài trời tăng cao, nhưng vẫn không nóng bằng con số ước tính hơn 6.000 tỉ đồng - ngân sách phải tiếp tục đầu tư để biến 4.700 ha rừng thành... ruộng, phục vụ cho Đại thủy nông Ia Mơr (Gia Lai)! Tuy vậy, trong thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều đó là đẩy công trình này đến tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Công trình Đại thủy nông Ia Mơr trên đất Gia Lai, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) làm chủ đầu tư, được phê duyệt và khởi công xây dựng từ năm 2005. Nguồn vốn cho công trình thủy lợi này là hơn 3.000 tỉ đồng, cho mục tiêu ban đầu, dự kiến tưới tiêu 12.500ha đất nông nghiệp, chủ yếu của tỉnh Gia Lai và một phần tỉnh Đắk Lắk.

Thế nhưng, khi đưa vào sử dụng, hiện tại công trình Đại thủy nông Ia Mơr mới chỉ cấp nước cho khoảng 800ha đất trồng lúa, hoa màu của xã Ia Mơr và một ít diện tích tỉnh Đắk Lắk.

Vì vậy, Bộ NNPTNT hiện đang lấy ý kiến tổng hợp để trình lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trong đó xin phép chuyển đổi 4.700ha đất có rừng tái sinh đang phát triển tốt sang đất sản xuất nông nghiệp, nhằm có vùng tưới nước cho hồ thủy lợi Ia Mơr, với kinh phí ngân sách Nhà nước phải bỏ thêm vào đó khoảng 6.000 tỉ đồng.

Tuy vậy khi đi vào chi tiết, một cán bộ tỉnh Gia Lai cho rằng, con số sẽ phát sinh cao hơn nhiều theo quy định trồng rừng thay thế khi chuyển đổi sang mục đích khác (Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNN).

Theo chuyên gia này phân tích, nếu chuyển đổi 4.700 hecta đất rừng tự nhiên, thì quy định hiện hành, sẽ phải tiến hành trồng rừng thay thế tương đương với 15.000ha rừng, với trị giá tiêu tốn khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, theo thông tin từ chính quyền tỉnh Gia Lai thì, sau khi giải phóng toàn bộ 4.700 hecta rừng để di dân về canh tác, như thực tế hiện nay, chỉ có thể đưa khoảng 1.000 hộ dân đến, tương đương sẽ sử dụng hết khoảng 2.000 hecta đất. Như vậy số đất diện tích đất còn lại hơn 2.000 hecta sẽ vẫn chưa có người canh tác.

Từ thực tế trên cho thấy việc chuyển đổi 4.700 ha rừng để phục vụ cho đủ mục tiêu vùng tưới của Ia Mơr như phê duyệt, so với tình hình hiện nay là khó khả thi; hoặc ít nhất sẽ gây lãng phí lớn khi biến hàng ngàn hecta rừng thành ruộng như vậy.

Và hơn thế, UBND tỉnh Gia Lai còn cho biết, hiện trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2020-2025 chưa có vốn bố trí cho việc thiết kế vùng tưới. “Quan điểm của tỉnh là cũng muốn có vùng tưới cho công trình thủy lợi Ia Mơr, để phát triển kinh tế xã hội địa phương; nếu Quốc hội đồng ý cho chuyển đổi mà không tiếp tục có thêm nguồn vốn lớn để bố trí việc thiết kế vùng tưới thì cũng khó khăn cho tỉnh”, ông Lưu Trọng Nghĩa, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai cho biết như trên.

Theo ông Kpă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: “Đối với 4.700ha đất có rừng, việc chuyển đổi qua đất nông nghiệp thuộc thẩm quyền xem xét của Quốc hội. Do dự án của Bộ NNPTNT làm chủ đầu tư nên họ sẽ có trách nhiệm toàn bộ trong việc báo cáo lên Chính phủ để trình ra Quốc hội”.  Trước mắt, Tây Nguyên đang cần từng cây rừng, thì việc xóa hàng ngàn ha rừng như nói trên sẽ khó thuyết phục nổi Quốc Hội. Quả là “tiến thoái, lưỡng nan” đối với công trình Đại Thủy nông Ia Mơr!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn