MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dân đặt hàng bốn việc cấp bách với tân Chủ tịch Hà Nội

Lê Thanh Phong LDO | 24/09/2020 06:21

Ngày 23.9, Báo Lao Động có bài: “Đi 200m hết 3 giờ: Mong tân Chủ tịch Hà Nội hiểu nỗi “kinh hoàng” này”. Đây là đơn đặt hàng thứ nhất.

Đúng là kinh hoàng, bao nhiêu năm nay, ồn ào kêu ca, bức xúc lên án, rồi đến tổ chức cuộc thi tìm ra giải pháp cứu khổ cứu nạn, nhưng rồi kẹt xe vẫn hoàn kẹt xe. Giải nhất trị giá 200.000 USD (khoảng 4,4 tỉ đồng) chưa có chủ nhân.

Thứ hai là xử lý ô nhiễm nguồn nước, các sông rạch, ao hồ trên địa bàn Thủ đô. Đây cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng bao nhiêu năm nay. Báo Lao Động ngày 22.9 có bài “Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Dân hỏi các Giáo sư, Tiến sĩ đang ở đâu?”. Bài báo đặt vấn đề, tại sao Hà Nội không đặt hàng các Giáo sư, Tiến sĩ để chọn ra một phương án tối ưu nhất để xử lý môi trường thay vì trông chờ vào các dự án của Nhật Bản.

Xử lý được ô nhiễm sông Tô Lịch, thì các ao hồ, sông rạch còn lại có cơ may được cứu chữa. Người dân Hà Nội sẽ có cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, những công viên bên những con sông lộng gió.

Thứ ba là dọn rác và xử lý rác. Hà Nội rác ngập mặt, ở đâu cũng xả rác dơ bẩn, không xứng với Thủ đô văn hiến, trung tâm văn hóa của cả nước. Dân vứt rác ra đường, hàng quán cũng vứt rác ra đường. Rác trên sông hồ, dưới các gầm cầu, trôi trên mương rạch, có lẽ Hà Nội là một trong những địa phương xả rác ra môi trường nhiều nhất nước.

Dọn rác là một việc, xử lý rác là một việc khác. Những vụ “đụng độ” với dân do tồn tại ở bãi rác Nam Sơn vẫn là mối đe dọa về môi trường Hà Nội. Chỉ cần dân chặn xe rác vài ngày, Hà Nội đọng lại nhiều bãi rác. Cho nên, dân đặt hàng về một công nghệ xử lý rác hiệu quả để Thủ đô Hà Nội không ngập rác như hiện nay.

Thứ tư là các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường để không khí Thủ đô Hà Nội trong lành hơn. Hà Nội từng lọt vào danh sách những thành phố ô nhiễm bụi mịn nhất thế giới. Đây thực sự là điều rất đáng lo ngại, bởi vì người dân Hà Nội đang bị bao vây bởi quá nhiều mối nguy hại gây ra từ các loại ô nhiễm.

Cây xanh bị thu hẹp, nhà cửa bêtông, nhà kính tăng nhanh, phương tiện giao thông ken đặc, tất cả hợp lại gây ra thảm họa môi trường như hiện nay.

Còn nhiều việc to lớn khác nữa, nhưng trước mắt xin gửi đến tân Chủ tịch Thủ đô Hà Nội bốn đơn đặt hàng cấp bách nói trên, rất mong được giải quyết sớm cho dân nhờ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn