MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn hóa là ngành làm ra rất nhiều tiền, có giá trị gia tăng rất cao. Ảnh: Bộ VHTT&DL

Đặt mục tiêu rụt rè, khiêm tốn thì khó mà thành công nghiệp văn hóa

Hoàng Văn Minh LDO | 16/05/2024 20:00

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Bộ VHTT&DL đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và 8% vào năm 2035 là thấp.

Câu chuyện về công nghiệp văn hóa lần nữa được xới lên tại diễn đàn Quốc hội hôm 14.5, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Trong tờ trình của mình, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng lần nữa nhắc lại việc xây dựng công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế quốc dân. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa đóng đóng góp 7% GDP và đến 2035 là 8% GDP.

Góp ý về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói mục tiêu đặt ra của Bộ VHTT&DL là thấp so với tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, chương trình mục tiêu quốc gia chưa có sự quan tâm đặc biệt.

Thật ra thì mục tiêu 7% GDP này được Bộ VHTT&DL lần đầu đặt ra tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam hồi tháng 12.2023.

Mục tiêu này đúng là thấp, thể hiện sự rụt rè, khiêm tốn thật, nếu tạm tính ra con số với mức GDP của Việt Nam trong năm 2023 là hơn 10,2 triệu tỉ đồng (khoảng 430 tỉ USD). Nếu công nghiệp văn hóa góp vào 7% thì khoảng hơn 715 ngàn tỉ đồng.

Con số tạm tính này chưa tương xứng với tiềm lực, hay nói như Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là chúng ta còn dư địa phát triển rất lớn khi nhìn vào các sự kiện đình đám gần đây như phim Tết của Trấn Thành hay trước đó là nhóm nhạc Blackpink của Hàn Quốc biểu diễn tại Hà Nội.

Và trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng (44 tỉ USD).

Đặc biệt, khi so sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới có thể thấy, Việt Nam mới chỉ là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hoá.

Trong góp ý của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định có nhắc lại một ý rất hay và đúng, dù không mới là “lâu nay, ta cứ hiểu văn hóa là ngành đi tiêu tiền nhưng trên thế giới hiện nay, văn hóa là ngành làm ra rất nhiều tiền, có giá trị gia tăng rất cao”.

Cũng đến lúc, công nghiệp văn hóa phải nhận được sự quan tâm đặc biệt, trước hết là phải đứng hàng ưu tiên trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, để có được sự chính danh cũng như đầu tư nguồn lực, cơ chế... xứng đáng hơn.

Và nữa, vì suy nghĩ luôn có trước, nên ngay cả mục tiêu thu lại tiền của công nghiệp văn hóa cũng phải được đặt ra với con số lớn hơn. Chứ cứ rụt rè, khiêm tốn như với mức 7 hay 8% GDP trong vòng 10 năm tới thì rất khó để thành, để gọi là công nghiệp văn hóa như nhiều nước ở nhóm đầu trên thế giới đang có!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn