MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều thí sinh đầu tư thời gian học và thi chứng chỉ IELTS để tăng cơ hội trúng tuyển đại học. Ảnh: Quốc Dân

Đầu tư cho con học chứng chỉ IELTS không có gì xấu mà rất đáng khuyến khích

Lê Thanh Phong LDO | 10/09/2023 06:07

Nhiều phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho con ôn luyện chứng chỉ IELTS vì các trường đại học xét tuyển chứng chỉ IELTS đầu vào, hay thậm chí tuyển sinh đầu cấp bậc THCS, THPT.

Đầu tư cho con học là tốt, học ngoại ngữ, lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế càng tốt. Cần động viên, khuyến khích mọi người, đặc biệt là giới trẻ học tiếng Anh.

Có ý kiến cho rằng, phụ huynh chạy theo việc cho con học chứng chỉ IELTS là tốn kém. Ô hay! Cho con ăn học sao lại sợ tốn kém. Tiền cho con sắm xe phân khối lớn để show, nghiện game, đua đòi quần là áo lượt, chơi bời lêu lổng mới "tốn kém", lãng phí, thậm chí nguy hại. Còn cho con học tiếng Anh hay thủ đắc một ngoại ngữ nào đó là đầu tư cho tương lai.

Nhiều nhà có điều kiện cho con học IELTS hoặc hơn thế nữa, nhưng chỉ sợ con cái lười biếng không chịu học mà thôi.

Nhà không khá giả, nhưng cha mẹ chắt bóp cho con học để lấy chứng chỉ Anh ngữ quốc tế cũng đáng khuyến khích, vấn đề là ở chỗ con cái học hành đạt kết quả để không phụ lòng cha mẹ.

Còn người không có điều kiện, thì có trăm ngàn cách học tiếng Anh khác, không cần phải chứng chỉ quốc tế.

Đừng lo học sinh tập trung cho việc học IELTS mà bỏ qua các môn học khác, bởi vì điều đó chính phụ huynh và học sinh tự biết. Người đã có quyết tâm học hành nghiêm túc thì tự khắc biết cân bằng các môn học hợp lý, đúng mục đích và ngành nghề chọn lựa.

Điểm sáng của việc các trường lấy chứng chỉ IELTS xét tuyển là đã tạo ra không gian học tập tiếng Anh trong học sinh, sinh viên. Xin đưa một ví dụ, năm 2019 Hà Nội có khoảng 5.000 học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được xét công nhận tốt nghiệp THPT; năm 2020 tăng lên khoảng 7.000 học sinh; năm 2021 hơn có 10.000 học sinh; năm 2022 hơn 13.000 học sinh và đến năm 2023 là 15.991 học sinh.

Tính toàn quốc, năm 2023 có 46.670 thí sinh đủ điều kiện đăng ký miễn thi ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT, tăng gần 12.000 thí sinh so với năm trước.

Với đà này, trong vòng 10 năm tới, tiếng Anh có thể "phủ sóng" trong giới trẻ, học sinh, sinh viên.

Thử điểm lại, cách đây vài thế hệ, học sinh dù học chương trình tiếng Anh từ lớp 6 đến lớp 12, nhưng đa số tốt nghiệp cấp 3 không nói được tiếng Anh. Thậm chí, sinh viên tốt nghiệp đại học không nói được tiếng Anh. Chưa kể, đi học thạc sĩ, tiến sĩ, phải "chạy" chứng chỉ B, C, bằng cấp tiếng Anh để hợp thức hóa hồ sơ. Vụ bê bối ở Đại học Đông Đô là điển hình.

Thế hệ hôm nay có điều kiện học ngoại ngữ tốt hơn, tiếp cận được với tiếng Anh quốc tế, hãy tạo mọi điều kiện để cho con cái chúng ta học và thực hành. Tiếng Anh không phải là "tất cả", nhưng là chìa khóa để mở tất cả các cánh cửa "hội nhập".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn