MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu di tích Địa đạo Tam Giác Sắt được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng hơn 225 tỉ đồng đang bị bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: Lao Động

Đầu tư cho nguồn lực văn hóa vẫn còn nằm trên lý thuyết

Hoàng Văn Minh LDO | 30/12/2023 19:54

Cần một sự đầu tư có tính cấp cứu cho văn hóa, lĩnh vực được xác định là một nguồn lực to lớn để phát triển đất nước một cách hài hòa, bền vững, thay vì dừng ở lý thuyết.

Một thông tin đang được bạn đọc quan tâm trên Báo Lao Động là khu di tích Địa đạo Tam Giác Sắt, được UBND tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng trên diện tích 17,7ha, với tổng vốn hơn 225 tỉ đồng vào năm 2009 đang bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng.

Đây là một công trình khá quy mô, được đầu tư xây dựng với mục đích để nhân dân trong và ngoài nước về đây kính viếng, tưởng nhớ đến những người đã anh dũng hy sinh bảo vệ vùng đất này.

Đáng nói là nguyên nhân bỏ hoang, theo trả lời của ông Lê Văn Phước - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Dương với phóng viên Lao Động là “do mấy năm rồi chưa có kinh phí”.

Đáng nói nữa là “do mấy năm rồi không có kinh phí” cũng là câu trả lời phổ biến cho nguyên nhân của rất nhiều di tích văn hóa lịch sử đang bị bỏ hoang hoặc xuống cấp ở nhiều nơi trên cả nước.

Trong đó có những công trình đã và đang là tâm điểm của dư luận như di tích lịch sử núi Cánh Diều bị bỏ hoang giữa thành phố Ninh Bình; Cảng quân sự là di tích cấp quốc gia bị bỏ hoang ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; di tích lịch sử sự kiện Ninh Thạnh Lợi bị bỏ hoang ở Bạc Liêu…

Và cũng ở Bạc Liêu, thậm chí một di tích cấp tỉnh là ngôi biệt thự cổ thời Pháp trên dưới 100 năm tuổi cũng bị chính quyền địa phương mới đây cho đập bỏ vì không có kinh phí để trùng tu, tôn tạo.

Việt Nam được xem là một cường quốc về di sản văn hóa ở Đông Nam Á bởi có đến 8 di sản vật thể, 13 di sản phi vật thể, 7 di sản tư liệu được UNESCO công nhận, 119 di tích cấp quốc gia đặc biệt, hơn 3.500 di tích cấp quốc gia và hàng chục nghìn di tích cấp tỉnh, thành phố.

Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong mục đầu tiên của phần “Quan điểm” đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Tuy nhiên, thực tế từ các địa phương trên cả nước nhiều năm qua cho thấy, sự quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa vẫn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với vai trò, vị thế vốn có, đúng như tinh thần của Nghị quyết.

Đặc biệt là từ năm 2015 cho đến nay, khi chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với nguồn đầu tư hàng năm khoảng 300 tỉ đồng chấm dứt thì vẫn chưa có chương trình nào thay thế, khiến công tác bảo tồn di sản vốn đã khó, lại càng khó khăn hơn.

Văn hóa được xác định là một nguồn lực to lớn để phát triển đất nước một cách hài hòa, bền vững. Tuy nhiên, nguồn lực văn hóa lại đang cần được cấp cứu bởi một nguồn lực khác là chiến lược và kinh phí đầu tư cho từng công trình cụ thể.

Và để có được nguồn lực này, trước hết, Nghị quyết 33-NQ/TW phải thực sự đi vào cuộc sống. Văn hóa phải thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội bằng sự định lượng và đầu tư xứng đáng, chứ không thể bằng lý thuyết!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn