MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để bác sĩ nước ngoài chuyên tâm chữa bệnh, không đánh vật với tiếng Việt

Lê Thanh Phong LDO | 30/11/2022 11:13

Quản lý các phòng khám chặt chẽ là quá đúng, đối với bác sĩ nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, càng phải chặt chẽ hơn. 

Chính vì vậy, ngành y tế TPHCM kiến nghị Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh.

Tình trạng phòng khám tư sử dụng nhiều chiêu thức moi tiền bệnh nhân là có, một số phòng khám có bác sĩ người nước ngoài vi phạm quy định là có, nhưng đó không phải "đại diện" cho chất lượng của tất cả bác sĩ nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam.

Quản lý chất lượng các cơ sở y tế là cần thiết, phải có công cụ để kiểm tra, kiểm soát, cơ sở nào làm sai thì xử lý. Nhưng bắt buộc bác sĩ nước ngoài phải thông thạo tiếng Việt, phải nói tiếng Việt khi khám bệnh là như đánh đố.

Tiếng Việt không phải là ngôn ngữ thông dụng của bác sĩ nước ngoài, ngoài tiếng mẹ đẻ, bác sĩ các nước có thể thông thạo các thứ tiếng Anh, Pháp, Hoa, Tây Ban Nha, còn hiếm người nói được tiếng Việt, nếu có thì là bác sĩ người quốc tịch các nước nhưng gốc Việt.

Còn một yếu tố nữa, có nhiều người rất giỏi chuyên môn, nhưng không có năng khiếu học ngoại ngữ. Bắt họ vào Việt Nam làm việc là phải thông thạo tiếng Việt thì làm khó nhau quá.

Chưa kể, bắt buộc họ phải nói tiếng Việt khi khám bệnh sẽ không "an toàn" hơn sử dụng phiên dịch. Bởi vì, bệnh nhân có người nói giọng Nam, giọng Bắc, giọng Huế, giọng Quảng, người già, trẻ em, cho dù học tiếng Việt tốt cũng khó có thể nghe tốt được. Nghe không tốt sẽ ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, khám và chữa bệnh.

Hãy để bác sĩ tập trung chuyên môn khám chữa bệnh, đừng bắt họ phải "hại não" vì phải vật lộn với tiếng Việt khi hành nghề.

Tại buổi thảo luận tổ chiều 26.5 của Quốc hội, góp ý Dự thảo luật quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam bắt buộc phải biết tiếng Việt thành thạo và không được sử dụng phiên dịch, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho rằng, cần quy định rõ ràng và cụ thể hơn để tạo điều kiện cho các bác sĩ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao làm việc tại Việt Nam. Bởi trên thực tế vẫn còn nhiều bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh, trong khi nhiều bác sĩ giỏi nước ngoài sang Việt Nam làm việc, chúng ta lại không sử dụng, rất lãng phí.

Và, cũng theo ý kiến của vị đại biểu này, không phải là bắt bác sĩ nước ngoài phải thông thạo tiếng Việt, mà xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này và tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Xã hội hóa y tế là tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp hoạt động, ra quy định chặt chẽ và kiểm tra, nhưng phải khoa học và phù hợp với thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn