MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để bữa cơm công nhân ngon hơn

Lê Thanh Phong LDO | 29/12/2015 06:29
Bữa ăn ca của người lao động có mức thấp nhất là 0,6% mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể, tổ chức công đoàn sẽ khởi kiện doanh nghiệp. Hai nội dung này được thảo luận tại hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN diễn ra ngày 28.12.

Nếu theo mức 0,6% trở lên, ước tính bữa ăn của người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) sẽ không thấp hơn 15.000 đồng. Ai cũng biết, với giá tiền này, không thể có một bữa ăn đàng hoàng, nhưng ít ra nó cũng không quá tệ. Nếu như DN chú trọng đến sức khỏe của công nhân, quản lý chặt chẽ, không giao khoán cho nhà thầu, thì có thể tạm thời chấp nhận được.

Bữa ăn với mức 10.000 - 12.000 đồng, lại qua nhà thầu, mất thêm khoản hoa hồng, lợi nhuận, công nhân còn được mấy ngàn? Không ngộ độc mới là chuyện lạ.

DN nào cũng nhận thức rất rõ NLĐ là tài sản, nhưng không phải ai cũng chăm sóc tài sản của mình tử tế. Cho nên, hai nội dung mà Tổng LĐLĐVN đưa ra tại hội nghị với mong muốn thực hiện cho được việc đảm bảo bữa ăn công nghiệp đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Thực hiện được việc này sẽ có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn. Ngoài ra, bữa ăn giàu dinh dưỡng sẽ đảm bảo sức khỏe không chỉ của một thế hệ NLĐ, mà là sức khỏe của giống nòi.

Vì tiết kiệm chi phí để có lợi nhuận cao, để cho NLĐ ăn uống thực phẩm kém chất lượng thì xét cho cùng đó cũng là việc làm không nhân đạo. Bởi vì, ăn uống thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh kéo dài, NLĐ sẽ bị bệnh tật, thậm chí là bệnh nan y. Các chủ DN thừa biết suất ăn giá trị thấp thì chỉ có thực phẩm ôi ế, nhưng vẫn cho công nhân ăn các loại thực phẩm đó thì không thể nói đến đạo đức kinh doanh. Đối với công nhân của mình mà không cư xử có đạo đức, thì nói gì đến có đạo đức với cộng đồng.

Những doanh nhân có lương tâm và tầm nhìn sẽ suy nghĩ rằng, thà bớt đi lợi nhuận để NLĐ có bữa ăn chất lượng cao hơn, đảm bảo sức khỏe. Nghĩ cho cùng, để lại nhiều của cải cho con cái, nhưng cũng phải để lại phước đức. Cho công nhân ăn thực phẩm nhiễm độc là thất đức.

Đề cao giá trị đạo đức hay cổ súy việc tạo phúc đức là cần thiết, kêu gọi lòng tốt và tin vào lòng tốt cũng nên làm, nhưng sẽ tốt hơn khi những mong ước về sự tốt đẹp đó được quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm soát và điều chỉnh hành vi của mọi cá nhân, tổ chức không thể bằng tiếng lương tâm mà phải bằng pháp luật.

Hai nội dung mà Tổng LĐLĐVN đưa ra cần phải được luật hóa để thực hiện.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn