MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 11.11. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Đề công thức thì vấn nạn văn mẫu vẫn còn, thưa Bộ trưởng!

QUANG ĐẠI LDO | 12/11/2021 10:23

Ngày 11.11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết việc dạy môn ngữ Văn theo hình thức đọc, chép văn mẫu cho học sinh học thuộc là rất tai hại đối với mục tiêu phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc chân thành của người học.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, giải quyết vấn đề này.

Nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là chính xác. Nhưng điều đáng nói cả đại biểu Quốc hội và người đứng đầu ngành giáo dục đều không đề cập căn nguyên của vấn nạn đọc, chép "văn mẫu" trong nhà trường là do đâu.

Xin nói ngay là do chính từ khâu quản lý, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác chuyên môn của ngành giáo dục.

Theo quy định, học sinh học xong mỗi học kỳ, năm học và khóa học đều phải trải qua các kỳ thi. Việc đánh giá chất lượng giáo viên và học sinh, xếp thứ hạng, công nhận đỗ/trượt, đều căn cứ vào điểm số, kết quả các kỳ thi.

Để vượt qua và đạt kết quả cao trong các kỳ thi, bắt buộc giáo viên và học sinh, phụ huynh phải nghiên cứu, tìm hiểu về mô hình đề, dạng đề thi qua các năm, từ đó chuẩn bị các kiến thức, kĩ năng phù hợp để làm bài đạt kết quả tốt nhất. “Thi gì học nấy” đã trở thành nguyên lý của mọi nền giáo dục.

Thực tế đề thi môn Ngữ văn từ bao nhiêu năm nay hầu như không thay đổi. Về phạm vi kiến thức cơ bản chỉ bó hẹp trong sách giáo khoa, một vài ý nghị luận xã hội cũng đã được các thầy cô chuyên dạy ôn nghiên cứu, chuẩn bị sẵn cho học sinh.

Như đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT, năm nào cũng trở đi trở lại yêu cầu phân tích, bình phẩm về một số tác phẩm số lượng rất hạn chế có trong chương trình, sách giáo khoa như bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, “Việt Bắc” của Tố Hữu, “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu....

Đối với học sinh chuẩn bị đi thi từ trước đến nay, yêu cầu quan trọng nhất là phải thuộc lòng như cháo chảy các bài phân tích, bình giảng văn chương của các thầy cô, giáo sư về các tác phẩm có trong sách giáo khoa, sau đó chép trả bài theo yêu cầu của đề thi là đạt điểm cao.

Thậm chí một số xu hướng bình phẩm văn chương còn được công thức hóa thành “yêu-căm-chiến-lạc” nghĩa là yêu thương, căm thù, chiến đấu, lạc quan.

Không những thế, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo còn ban hành công văn hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục và giáo viên triển khai giáo án mẫu.

Chương trình khép kín, giáo án mẫu, đề thi “mẫu”... đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng dạy học đọc chép theo văn mẫu.

Nếu không cởi bỏ “vòng kim cô” đề thi mẫu, thì không thể dẹp được vấn nạn đọc chép theo văn mẫu, không thể có dạy học sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn