MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người thương binh nặng Đặng Ngọc Vinh và vợ là bà Nguyễn Thị Tơ đã phải tới tận nhà "cầu cứu" Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá. Ảnh: Quách Du

Để dân không phải đến tận nhà Bí thư, gọi điện cho Chủ tịch tỉnh

Hoàng Lâm LDO | 23/07/2023 06:11

Việc người dân phải đến tận nhà Bí thư Tỉnh uỷ hay gọi điện trực tiếp tới số máy di động của Chủ tịch tỉnh nhằm khiếu nại, tố cáo không phải là điều tích cực. Mà ngược lại, đã thể hiện việc bộ máy, cán bộ cấp cơ sở quan liêu, chưa làm tròn trách nhiệm.

Đúng dịp kỷ niệm ngày Thương binh- liệt sĩ 27.7, phóng viên Lao Động đã tìm đến người thương binh đã phải đến tận nhà Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng để cầu cứu, tố cáo cán bộ quan liêu trong xử lý hồ sơ đất đai.

Người thương binh gần 80 tuổi ấy, với bên mắt bị hỏng khi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị cách đây hơn 50 năm dường như đã để giọt lệ “chảy ngược vào trong” khi kể lại hành trình dài tới 4 năm vất vả để làm thủ tục hồ sơ đất nhưng bị cán bộ địa phương làm khó.

Báo cáo kết quả khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa năm ngoái cho biết: Giai đoạn 2018-2021 cơ quan chức năng giải quyết chậm 7.416 hồ sơ về đất đai, có hồ sơ trả lại đến 3 lần. Thế nhưng, nguyên nhân chủ quan chỉ vẻn vẹn 1 dòng: “Một số công chức, viên chức có biểu hiện phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực”.

Còn báo cáo tại Hội đồng nhân dân Thanh Hoá giữa tháng 7, vừa qua, Sở Tài Nguyên và Môi trường thông tin: Văn phòng đăng ký đất đai Thanh Hoá đã thụ lý, ban hành 46 thông báo kết luận, 28 văn bản chấn chỉnh, 45 văn bản phê bình tập thể, giám đốc các chi nhánh, trưởng các phòng chuyên môn, viên chức, người lao động liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và tổ chức; thi hành kỷ luật bằng hình thức “buộc thôi việc” 1 viên chức, “cảnh cáo” 2 viên chức, “khiển trách” 4 viên chức; yêu cầu nhiều tập thể, cá nhân tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.

Con số ấy hẳn chưa phản ánh đúng thực tế.

Còn tại Hà Tĩnh, câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh công bố số điện thoại cá nhân để người dân liên lạc, phản ánh được nhắc đến nhiều. Thực tế quan sát và qua ý kiến người dân thì khi có số Chủ tịch tỉnh gắn ở ngay nơi làm thủ tục thì “Cán bộ có chuyển biến tích cực hơn, người dân đến làm thủ tục thấy cán bộ niềm nở hơn, không còn sách nhiễu, găm hồ sơ, vòi vĩnh, không thu tiền bất hợp pháp”. Mô hình “công bố số điện thoại” sẽ được nhân rộng, đặc biệt lĩnh vực nhạy cảm như đất đai thì số của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì sẽ công bố từ xã đến tỉnh".

Những câu chuyện ở Thanh Hoá hay Hà Tĩnh cho thấy: Nếu cán bộ cơ sở làm đúng chức trách nhiệm vụ, không nhũng nhiễu thì Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh đã không phải mất thời gian, công sức xử lý những công việc cụ thể, những vấn đề của cơ sở hàng ngày.

Quan trọng là cần một cơ chế đủ khuyến khích cán bộ làm việc công nhưng cũng đủ nghiêm minh răn đe hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh người dân.

Đảm bảo các thủ tục hành chính nhanh, minh bạch, kịp thời cho dân phải là chuyện rất bình thường.

Để dân yên tâm, không phải đến tận nhà Bí thư hay gọi điện cho Chủ tịch tỉnh để phản ánh, khiếu nại mới là việc cần làm sớm, làm ngay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn