MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để doanh nghiệp mạnh, đất nước giàu thì doanh nhân phải khoẻ

Hoàng Lâm LDO | 13/10/2023 06:51

Doanh nghiệp mà ốm thì chúng tôi cũng ốm theo”. Đó là câu nói của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn khi nói về tình trạng vòng vo, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, gây khó cho doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến dự án, khiến kinh tế của tỉnh phát triển chậm lại.

Đây không chỉ là chuyện riêng của Thanh Hoá. Trên thực tế, những nỗ lực tháo bỏ rào cản, vướng mắc để doanh nghiệp, doanh nhân đã được nhắc đến trong các văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng như đưa vào văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên việc triển khai ở một số nơi lại “trên nóng, dưới lạnh” vì sự thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ cấp cơ sở.

Nghị quyết 35 của Chính phủ ra đời năm 2016 lần đầu đặt vấn đề “không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế” khẳng định giải pháp đối với doanh nghiệp, người dân của Chính phủ là chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, chứ không phải là áp dụng các biện pháp cực đoan.

Điều 33 Hiến pháp 2013 ghi rõ: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng đã chính thức bỏ các tội “kinh doanh trái phép” và “cố ý làm trái”. Đây là những nỗ lực lập pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Nhưng cũng có một thực tế là trong “một rừng” các văn bản, quy định vẫn có sự chồng chéo để rồi khi áp dụng theo cách “hiểu thế nào cũng được” dẫn đến có sự nhầm lẫn vô ý, hoặc cố ý lạm dụng trong thực thi pháp luật.

Thiếu trách nhiệm trong công vụ và hình sự hoá các quan hệ kinh tế là hai yếu tố chính, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp không khoẻ và không dám lớn mạnh.

Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được giới doanh nhân đón nhận và kỳ vọng như “làn gió mới”, “món quà đặc biệt” đúng dịp tôn vinh lực lượng Doanh nhân Việt Nam 13.10.

Nghị quyết đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trong đó, “Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến” được đặt ở vị trí trang trọng và nổi bật.

Nghị quyết 41 cũng nhấn mạnh về việc “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm” và “không hình sự hoá quan hệ kinh tế”.

Đây là hai nội dung cần triển khai đồng thời. Bởi không ít doanh nhân, doanh nghiệp lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, lợi dụng những ưu đãi, những lĩnh vực mới trong công nghệ để làm ăn bất chính, vi phạm pháp luật. Vì vậy bổ sung chế tài để xử lý nghiêm là cần thiết.

Pháp luật chỉ bảo hộ những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá trong kinh doanh, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc.

Đội ngũ doanh nhân được xác định là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Doanh nhân khoẻ thì doanh nghiệp mạnh, đất nước giàu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn