MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Ngày Chủ nhật xanh" ở Huế. Ảnh: Khánh Tường

Để du lịch Việt Nam không chỉ có 3 điểm đến sạch

Hoàng Văn Minh LDO | 25/01/2024 12:53

Huế, Vũng Tàu, Quy Nhơn được vinh danh là Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2024, giải thưởng nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á.

Thành phố Du lịch sạch ASEAN là giải thưởng thường niên, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á ATF diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27.1 tại thủ đô Vientiane, Lào, nhằm góp phần tôn vinh, phát triển thương hiệu du lịch chất lượng cao trong khu vực.

Đồng thời cũng là dịp để các đơn vị quảng bá, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch Việt Nam và thương hiệu điểm đến quốc gia Vietnam Timeless Charm.

Và đây không phải lần đầu tiên ba điểm đến Huế, Vũng Tàu, Quy Nhơn được trao giải Thành phố Du lịch sạch ASEAN. Trước đó, Quy Nhơn từng được xướng tên vào năm 2020; Vũng Tàu và Huế đã cùng nhau ba lần thắng giải trước đó.

Một điểm đến được công nhận là sạch thì phải sạch rất nhiều thứ. Trong đó, quan trọng nhất là phải sạch, phải xóa cho được 7 nỗi sợ hãi mà du khách quốc tế thường truyền tai nhau về các điểm đến của du lịch Việt Nam.

Đó là 7 nỗi sợ hãi về cướp giật (gồm cả chèo kéo, chặt chém khách), trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh bẩn, ô nhiễm môi trường.

Nếu soi chiếu khắt khe với 7 nỗi sợ hãi phổ biến này, thì thừa nhận là cả ba điểm đến vừa thắng giải “Thành phố du lịch sạch” là Huế, Quy Nhơn, Vũng Tàu vẫn còn rất nhiều thứ chưa được sạch, đặc biệt là nạn chèo kéo du khách cũng như rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, kết quả này là sự ghi nhận và đánh giá rất khách quan, chính xác những nỗ lực kiến tạo và làm sạch điểm đến của các địa phương một cách bền bỉ.

Ví như Huế, bắt đầu từ năm 2018, lãnh đạo tỉnh này đã xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp thiết, là cơ sở thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Để rồi nhiều cuộc vận động, phong trào “không rác” ra đời. Trong đó, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và duy trì đều đặn hàng tuần, hàng tháng, hàng năm.

“Ngày Chủ nhật xanh” trở thành một hoạt động thường xuyên, nề nếp, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và toàn xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt của đô thị và cả nông thôn. Là nền tảng cơ bản cho việc Huế liên tục thắng giải Thành phố Du lịch sạch ASEAN như đã thấy.

Dĩ nhiên mỗi điểm đến có một lối đi và cách làm sạch riêng. Nên câu chuyện của Huế chưa hẳn có thể là kinh nghiệm cho Quy Nhơn hay Vũng Tàu và ngược lại. Vì còn phụ thuộc vào yếu tố văn hóa, tập quán… của từng địa phương.

Nhưng những câu chuyện và kinh nghiệm của Huế, Quy Nhơn và Vũng Tàu chắc chắn sẽ là những gợi ý, bài học hay cho rất nhiều điểm đến khác trên cả nước đang “chưa sạch”. Hoặc lúc sạch lúc không, như Hạ Long và Đà Lạt từng đoạt giải thưởng này vào năm 2022 nhưng năm nay lại mất hút.

Trong hành trình này, ngoài sự nỗ lực của từng địa phương thì không thể không có bàn tay thúc đẩy, định hướng, kéo cương… của các cơ quan quản lý mà gần nhất là Cục Du lịch Việt Nam.

Để làm sao, cả nước đâu cũng là thành phố du lịch sạch và sạch bền vững chứ không sạch phập phù như đang thấy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn