MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Minh Hà

Để Hà Giang không đội sổ điểm thi tốt nghiệp THPT

Lê Thanh Phong LDO | 18/07/2024 07:40

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Hà Giang vẫn "đội sổ" với điểm trung bình là 5,68. Tiếp đến là Cao Bằng với 6,03 và Đắk Lắk với 6,12.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp Hà Giang đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Hà Giang từng "nổi tiếng" cả nước với số điểm 10 cao bất thường ở môn Toán và Vật lý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018. Nhưng là số điểm do gian lận thi cử, và từ đó đến nay, địa phương này không cải thiện được vị trí, vẫn luôn xếp đội sổ. Năm nay Hà Giang còn rất tệ, hai môn cơ bản là Ngữ văn và Toán điểm rất thấp, là tỉnh duy nhất có điểm trung bình Toán dưới 5.

Chẳng lẽ Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Lắk chấp nhận "mãi mãi là người đứng sau" trong bảng xếp hạng về giáo dục toàn quốc. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một thước đo căn bản để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông của một địa phương. Có lên có xuống, khi cao khi thấp có thể chấp nhận được, nhưng liên tiếp đội sổ hoặc lọt vào nhóm 3 cuối bảng thì cần phải xem lại ngành giáo dục của địa phương.

Quan sát các địa phương, nếu không nhất nhì bảng như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, thì mỗi tỉnh có những điểm sáng để tự hào, Thanh Hóa xếp thứ nhất cả nước về số điểm 10 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Đồng Tháp, Nam Định có nữ sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn, Bắc Ninh có 13/19 thủ khoa khối C00...

Lãnh đạo các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Lắk cần phải tính toán lại chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương, đó là trách nhiệm với người dân, với học sinh trên địa bàn. Các em học sinh đang chịu thiệt thòi so với học sinh các tỉnh, thành khác, đó là do sự yếu kém của người lớn.

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tiên phải có người giỏi, có tài và có tâm huyết với giáo dục. Đó là lãnh đạo tỉnh, là lãnh đạo ngành, những bộ óc vẽ ra chiến lược giáo dục.

Có lãnh đạo giỏi mới sử dụng đội ngũ quản lý giáo dục giỏi trên phạm vi toàn tỉnh, có chính sách thu hút nhân tài, săn tìm giáo viên giỏi về phục vụ. Nếu nói về "trải thảm đỏ" đón nhân tài, thì ưu tiên cho nhân tài của ngành giáo dục, trước khi nói đến các lĩnh vực khác.

Lãnh đạo giỏi mới biết cách đầu tư cho cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị, khai thác các ứng dụng công nghệ để dạy và học được tốt hơn.

Khi quan tâm thực sự đến giáo dục, tâm huyết với giáo dục, thì sẽ tìm ra được hướng đi và đi đúng, đi nhanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn