MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế (268 Điện Biên Phủ) đang trưng bày nhiều hiện vật là máy bay, xe tăng, pháo từ chiến tranh... bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Phúc Đạt

Để hiện vật ở bảo tàng mất cắp, xuống cấp là vô trách nhiệm với lịch sử

Thanh Hải LDO | 25/01/2024 12:23

Nhiều hiện vật chiến tranh là máy bay, xe tăng trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế, lại bị gỉ sét đến mục nát...

Một video trên Báo Lao Động đã cận cảnh hàng loạt hiện vật là máy bay, xe tăng, đạn pháo... vị hoen gỉ, mục nát tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-  Huế.

Ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng - cho biết, tại đây đang quản lý, trưng bày 14 hiện vật ở ngoài trời, trong đó cần bảo quản cấp thiết 10 hiện vật. Đơn vị này đã trình kế hoạch xin kinh phí bảo quản. Hiện vật chiến tranh được trưng bày ở bảo tàng là một phần của ký ức cộng đồng, của dân tộc. Những hiện vật này còn tồn tại với tư cách là những chứng tích lịch sử, xấp xỉ 50 năm kể từ khi đất nước được hòa bình, thống nhất, nhưng đến nay bảo tàng mới "lập kế hoạch, xin kinh phí bảo quản..." từng phần, hàng năm là quá muộn.

Câu chuyện không có nơi trưng bày hiện vật lịch sử, văn hóa, hoặc bảo tàng xuống cấp, không đảm bảo công tác bảo quản hiện vật không chỉ xảy ra riêng ở Huế.

Ngay Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng với tuổi đời hơn 100 năm, hiện cũng xuống cấp đến lo ngại, nhưng chưa có kinh phí tu sửa. Tại đây đang lưu giữ hơn 2.000 cổ vật Chămpa, số lượng hiện vật được trưng bày là 500 trong các không gian mốc meo từng mảng tường. Nhiều nơi thấm dột, bong tróc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo vệ và gìn giữ các hiện vật.

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam. Có 9 hiện vật đã được chứng nhận là bảo vật quốc gia.

Những bảo vật quý giá đến mức liên tục bị săn tìm, đánh cắp. Mới đây, ngày 13.9.2023, Đại sứ Việt Nam tại Anh đã tiếp nhận bức tượng "Nữ thần Durga" - cổ vật quý giá, được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới, từng bị đánh cắp tại Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam năm 2008.

Việt Nam có hàng chục nghìn cổ vật quý hiếm, trong đó có nhiều cổ vật thuộc hàng quốc bảo, đang lưu lạc ở nước ngoài do bị đánh cắp, bị mang đi bởi nhiều lý do qua các thời kỳ lịch sử biến động. Tìm kiếm, mua lại để hồi hương cổ vật bị thất lạc, bị đánh cắp không hề dễ, không phải có tiền là được. Trong khi đó, những hiện vật quý giá hiện có lại không được bảo quản, bảo vệ đúng mức.

Nhìn những hiện vật trưng bày gỉ mục, vụn nát ở Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế mà xót xa. Chứng kiến những mảng tường rêu xanh, bục vỡ, thấm dột ở bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng càng lo ngại.

Đồng ý nhiều địa phương như Huế, Đà Nẵng, Hội An... có di sản văn hóa nhiều, nhưng mỗi di sản, hiện vật, cổ vật... đều có giá trị và câu chuyện riêng của nó, không thể nhất bên trọng nhất bên khinh.

Đặc biệt, Huế - địa phương sở hữu nhiều di sản và đã, đang thực hiện các bước để “biến di sản thành tài sản”, “biến tiềm lực thành nguồn lực” để phục vụ phát triển - theo như chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 8.2023.

Để hiện vật ở bảo tàng mất cắp, xuống cấp, không đủ điều kiện bảo quản... là có lỗi với lịch sử. Chịu trách nhiệm về thực trạng này không chỉ là đơn vị bảo tàng hay Sở Văn hóa mà còn là chính quyền các địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn