MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Niềm vui của sĩ tử sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Hải Nguyễn

Để không còn tình trạng đến hẹn lại đoán, lại hoang tin “lộ” đề thi tốt nghiệp THPT

Hoàng Văn Minh LDO | 03/07/2024 14:00

Năm 2025 tới là kỳ thi THPT đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Và đây là cơ hội để ngành giáo dục loại bỏ các đề thi, đặc biệt là môn Ngữ văn, có thể đoán được.

Những phụ huynh thế hệ 7X và 8X đời đầu, có con đã và vừa thi xong tốt nghiệp THPT, sẽ có chung cảm nhận về thực tế tréo ngoe trong giáo dục và thi cử.

20 năm, thậm chí gần 30 năm trước, ngữ liệu đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT của phụ huynh là những “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm, “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Vợ nhặt” của Kim Lân, “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân…

Bây giờ và những năm gần đây, ngữ liệu đề thi Ngữ văn cơ bản vẫn quanh đi quẩn lại những tác phẩm của những tác giả như vừa liệt kê.

Và nếu như mấy chục năm trước, các bậc phụ huynh đoán đề, học tủ, trúng tủ… ra sao thì bây giờ, con cái họ cũng đoán đề, học tủ, trúng tủ bằng cách tương tự.

Giáo dục, nhìn từ việc học và ra đề thi môn Ngữ văn, cho thấy không chỉ giậm chân, thậm chí lạc hậu mà còn vô tình tạo ra những lối mòn tư duy khuôn sáo, “kéo lê” từ thế hệ này sang thế hệ khác rất đáng sợ.

Nhưng đáng mừng là, theo khẳng định của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, từ năm học 2024 - 2025 - năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tình trạng đoán đề, học tủ, trúng tủ… sẽ được hạn chế. Bởi môn Ngữ văn - một trong hai môn thi tốt nghiệp bắt buộc - sẽ lấy ngữ liệu từ nhiều sách giáo khoa hoặc bên ngoài.

“Thứ nhất, chúng ta thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nên ngữ liệu đề thi môn Ngữ văn sẽ nằm trong nhiều bộ sách giáo khoa. Thứ hai, ngữ liệu cũng có thể hoàn toàn không có trong các bộ sách giáo khoa. Nên chắc chắn sẽ hạn chế được chuyện học tủ, đoán đề”, ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - nói trên Lao Động.

Việc thay đổi ngữ liệu và cách ra đề thi môn Ngữ văn, không chỉ hạn chế được tình trạng đoán đề, học tủ. Mà tới đây còn hạn chế được một nguy cơ là “lộ đề” thi, dù trong thực tế, như năm nay, hoang tin “lộ đề” cuối cùng chỉ là ngẫu nhiên do quá trình đoán đề và phân tích của “ai đó” trên mạng xã hội có nhiều điểm trùng hợp với đề thi chính thức.

Một đề thi ngữ liệu không sáo mòn và dễ đoán thì chắc chắn sẽ không còn chuyện hoang tin “lộ đề” như kỳ thi vừa rồi!

Ngoài chuyện do ngẫu nhiên đoán đúng, còn vấn đề tin đồn, tin giả chuyện lộ đề. Và dù ngẫu nhiên, hay tin đồn, tin giả đều gây hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả học sinh và phụ huynh.

Vậy nên trong trường hợp nào thì cũng phải được Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng, rốt ráo.

Thậm chí phải tính đến việc xử lý nghiêm hơn bởi mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi phao tin đồn, tin giả liên quan đến thi cử, như quy định trong Nghị định 15/2020/NĐ-CP, vẫn chưa đủ sức nặng để răn đe!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn