MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để không là “trường phổ thông cấp 4”

LÊ THANH PHONG LDO | 01/08/2017 06:20
Không đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, trường đại học giống như trường phổ thông cấp 4, đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị “Phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói thẳng thắn, đúng với thực tế của giáo dục đại học hôm nay. Chúng ta có ít trường thực chất đại học nhưng lại quá nhiều trường cấp 4.
Số lượng công trình khoa học được công bố quốc tế của các trường đại học Việt Nam chiếm tỉ lệ bao nhiêu trên đầu giáo sư, tiến sĩ cả nước, xin không nói ra làm chi cho thêm buồn lòng. Hãy hướng tới mục tiêu như Bộ trưởng Nhạ đặt ra, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.
Nhưng xin thưa rằng, nghiên cứu khoa học là cuộc chơi của “con nhà giàu”. Nghiên cứu một công trình, một phát minh, một sáng chế không phải như sản xuất cái bánh để đem ra chợ bán ngay, nó đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, trí tuệ và của cải vật chất. Tiền ở đâu, các trường đại học không thể khai thác từ túi phụ huynh sinh viên, mà cần phải có sự đầu tư từ ngân sách hoặc các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế.
Hiện nay, giảng viên của các trường đại học thu nhập rất thấp, ai cũng tranh thủ thật nhiều giờ lên lớp để kiếm tiền, dần dần biến thành thợ giảng hơn là nhà khoa học. Hãy cứ làm một khảo sát thật khách quan, sẽ thấy một giáo sư, tiến sĩ có bao nhiêu giờ nghiên cứu trên tổng số giờ giảng và hướng dẫn luận văn, chưa cần tính tới sản phẩm nghiên cứu đầu ra có đạt chất lượng hay không.
Cá nhân nhà khoa học như vậy, còn một trường đại học thì sao. Xin không dám nói tất cả, nhưng đa số lo việc tuyển sinh, có được bao nhiêu sinh viên, thu được bao nhiêu tiền học phí, lo chạy ngân sách, lo toan cho công trình xây dựng hơn là công trình khoa học. Cho nên khó có thể cho ra sản phẩm khoa học công nghệ như mong muốn.
Nhà nước đầu tư cũng đúng thôi, và Nhà nước cũng đã đầu tư rất nhiều cho các trường, viện, nhưng bấy lâu nay sản phẩm đút vào ngăn kéo ngay sau khi nghiệm thu cũng không ít. Do đó, phải có sự cam kết cụ thể về chất lượng đề tài và sản phẩm đầu ra mới bỏ tiền đầu tư.
Các DN hợp tác đầu tư không phải cho vui mà phải có hiệu quả. Vậy thì các trường phải chủ động “tiếp thị khoa học”, giới thiệu đề tài, hợp đồng cam kết áp dụng được vào thực tế sản xuất kinh doanh, đem lại lợi ích thiết thực cho DN, chắc chắn họ sẽ bỏ tiền ngay.
Một khi nhà khoa học có thực tâm và thực tài, dứt khoát sẽ tìm ra cơ hội cống hiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn