MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để kinh tế Việt Nam tiếp tục thăng hạng trên bản đồ thế giới

Hoàng Văn Minh LDO | 15/08/2024 07:06

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động, Việt Nam đã nổi lên như một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, với nhiều chỉ số thăng hạng trên bản đồ kinh tế thế giới.

Đầu tiên, theo Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP), trong Khảo sát Ngân sách Mở năm 2023 (OBS 2023), Việt Nam được xếp hạng ở vị trí 57/125 quốc gia, tăng 11 bậc so với kỳ đánh giá năm 2021 và 20 bậc so với năm 2019.

Một báo cáo quan trọng khác từ Công ty Tình báo Tài sản Toàn cầu New World Wealth và hãng Cố vấn Di cư Đầu tư Henley & Partners đánh giá Việt Nam đứng đầu thế giới về tốc độ tăng số lượng triệu phú trong giai đoạn 2013 - 2023, với mức tăng ấn tượng 98%. Đến cuối năm 2023, Việt Nam đã có 19.400 triệu phú, một con số đáng chú ý đối với một quốc gia đang phát triển.

GDP của Việt Nam đã tăng trưởng kỷ lục 8,02% trong năm 2022 - mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Thu nhập bình quân đầu người cũng đã tăng gần 2,2 lần, từ 1.960USD năm 2013 lên 4.284USD năm 2023.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng nổi lên như một trong những thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 16-30% trong 4 năm qua. Điều này khẳng định vị thế của Việt Nam như một trong những câu chuyện thành công nhất về chuyển đổi kinh tế ở châu Á.

Những thành công này không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ nhiều phía, bao gồm cải cách thể chế, mở rộng thương mại và đẩy mạnh công nghệ số. Đặc biệt, phải kể đến những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc điều hành và thúc đẩy các chính sách kinh tế.

Chính phủ đã đưa ra những chính sách linh hoạt và sáng tạo, từ việc cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cho đến việc hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Chính phủ cũng chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường tài chính và đặc biệt là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Những nỗ lực này đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong nửa đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký đạt 15,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, để duy trì và phát triển vị thế hiện tại, cũng như tiếp tục thăng hạng mạnh mẽ trong tương lai trên các bảng xếp hạng kinh tế của khu vực và thế giới, Việt Nam cần tiếp tục đảm bảo một môi trường đầu tư hấp dẫn, kết hợp với việc thực hiện các cải cách sâu rộng hơn trong quá trình chuyển đổi số.

Cuối cùng là tinh thần chung là không tự hào thái quá và ngủ quên trên chiến thắng - như một chỉ đạo có tính gửi gắm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ vào chiều 5.8 vừa qua.

Đó là phải biết giữ gìn, phát huy và thúc đẩy hiệu quả những việc đã làm được trong điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Và những phần việc đã được ngành ngân hàng và các bộ, ngành đã làm tốt, tới đây phải được làm tốt hơn nữa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước tiến lên nhanh và bền vững!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn