MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ứng biến với các tình huống bất ngờ là kỹ năng quan trọng không chỉ với học sinh, sinh viên. Ảnh: Lao Động

Đề lạ, đề quen và thiếu kỹ năng để ứng biến với tình huống bất ngờ

Hoàng Văn Minh LDO | 02/07/2023 13:41

Một nghịch lý được rút ra từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 vừa kết thúc là nếu ra “đề quen” kiểu như “Vợ nhặt” thì sẽ bị chê là cũ kỹ. Nhưng nếu ra “đề lạ” thì học sinh lại than vãn vì không biết phải làm như thế nào.

Con trai của bạn tôi, lớp 8, là “ngôi sao” về tiếng Anh của một trường cấp 2 ở thành phố Đà Nẵng, làm bài lúc nào cũng trên điểm 9 nên rất tự tin, thậm chí có chút tự kiêu.

Vừa rồi, bạn chuyển môi trường học cho con từ trường công lập sang trường tư và buộc phải kiểm tra đầu vào 3 môn Toán, Văn và tiếng Anh.

Bạn ngạc nhiên vì điểm kiểm tra môn tiếng Anh của con chỉ được 6 điểm. Và câu trả lời cho những thắc mắc từ con trai là: “Vì đề quá lạ nên con không làm được”! Xin được nhấn mạnh là “đề lạ” chứ không phải đề khó.

“Đề lạ”, trong trường hợp này chỉ đơn giản là thay đổi cách hỏi, cách đặt vấn đề. Ví dụ như thay vì hỏi “vì sao Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống?” thì lại đặt vấn đề “theo anh/chị, Đà Nẵng có xứng đáng với cụm từ thành phố đáng sống hay không?”.

Chỉ thế thôi mà cũng đã làm khó một “ngôi sao” tiếng Anh, bởi lâu nay đã quá quen với những dạng thức đề thi được lặp đi lặp lại bắt đầu từ lớp 1.

“Đề lạ” cũng xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ở môn Địa lý thuộc bài thi tổ hợp khoa học xã hội.

Đề thi này được nhiều giáo viên cho là “làm khó thí sinh”, sẽ không có điểm cao khi những năm trước đây, cụ thể là từ 2017-2022, các câu hỏi phần Atlat luôn ghi rõ số trang. Còn năm nay, câu hỏi chỉ ghi tiêu đề. Thí sinh muốn biết trang Atlat đó nằm ở đâu phải tra mục lục. Thời gian tra có thể lên đến cả phút.

Hay các câu hỏi về biểu đồ lạ đến mức họ chưa từng gặp trong các đề thi của nhiều năm nay, bao gồm cả đề thi học sinh giỏi quốc gia môn địa lý. Bản thân họ là giáo viên nhưng cũng chưa hướng dẫn học sinh cách vẽ những biểu đồ này.

Còn nhiều thí sinh thì cho biết là "Em chưa bao giờ bắt gặp dạng câu hỏi này trước đây"…

Vấn đề của những đề thi lạ và quen, đang cho thấy là phần lớn học sinh, hiện đang bị mắc kẹt trong thói quen “học tủ”, tư duy rập khuôn và rất thiếu kỹ năng ứng biến với những tình huống bất ngờ, thiếu chủ động, lười, yếu tư duy phản biện...

Và đối tượng thiếu kỹ năng này, không chỉ là học sinh hay sinh viên mà còn cả với rất nhiều người trưởng thành đang hàng ngày làm việc kiếm sống.

Một nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Goldman Sachs – ngân hàng đầu tư đa quốc gia ở Hoa Kỳ - cho thấy, các loại trí tuệ nhân tạo sản xuất nội dung như ChatGPT của OpenAI hay Bard của Google có thể tác động đến khoảng 300 triệu việc làm trên toàn cầu tới đây. Và dự báo, có khoảng 85% số việc làm mới ở năm 2030 là những công việc chưa từng tồn tại.

Câu hỏi đặt ra là 85% số việc làm mới chưa từng tồn tại đó là những loại công việc gì và từ bây giờ, con em chúng ta cần những kiến thức, kỹ năng gì để có thể đi tắt đón đầu?

Câu trả lời là “không biết được”. Tuy nhiên, có một điều khá chắc chắn là, những loại công việc mới ấy, ngoài kiến thức chuyên môn, không thể không cần đến kỹ năng để ứng biến với những tình huống bất ngờ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn