MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Shipper phải xét nghiệm âm tính mỗi ngày mới được hoạt động trong vùng đỏ. Ảnh: LDO

Đề nghị chính quyền giải quyết cho shipper và người chở gas mấy việc

Lê Thanh Phong LDO | 29/08/2021 11:32
Shipper được phép hoạt động trở lại ở 8 quận, huyện "vùng đỏ" của TPHCM là Thành phố Thủ Đức; các quận, huyện 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và Hóc Môn để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân.

Nghe thông tin này, đúng là dân như "mở cờ trong bụng", bởi vì chỉ có shipper mới phục vụ được nhu cầu đa dạng của người dân. Quá nhiều thứ "thiết yếu" mà dân cần, không chỉ là cơm ăn nước uống, ai đi mua hộ cho được ngoài dân chuyên nghiệp.

Dân "mở cờ trong bụng" một thì shipper "mở cờ" mười. Nhưng, xem lại quy định thì tréo cẳng ngỗng, hay nói cách khác là như thách đố người dân vậy đó.

Cụ thể, quy định hằng ngày, từ 5h - 6h sáng, các shipper hoạt động tại 8 quận, huyện "vùng đỏ" sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính sẽ được hoạt động.

Trời ơi! chạy grab ngày kiếm được bao nhiêu tiền, mà sáng nào cũng bắt đi xét nghiệm mất gần 300.000 đồng, ai trả cho người lao động khoản tiền này. Nếu chính quyền hay công ty hỗ trợ cho người lao động thì shipper có thể "sống" được.

Sáng nào cũng tập trung chờ đợi để xét nghiệm, chờ đợi để lấy kết quả, thì giờ đâu mà làm việc.

Riêng lực lượng shipper tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh" vẫn tổ chức từ trước đến nay nhưng phải tăng cường xét nghiệm 2 lần/tuần.

Đã là vùng xanh thì cần có sự kiểm soát phù hợp hơn, chưa kể phần lớn người trên 18 tuổi ở TPHCM đều đã tiêm một mũi vaccine, nên việc xét nghiệm âm tính không phải là yếu tố quan trọng. Chưa kể tập trung xét nghiệm cũng là môi trường dễ lây lan dịch bệnh.

Xin lưu ý, cách mua hàng qua app, trả tiền trước, gần như người mua hàng và shipper không giao tiếp, chỉ đến giao hàng ở điểm giao hàng như chốt trạm, sảnh chung cư hoặc treo ở cửa nhà là xong.

Đối với người chở gas, quy định mới cũng khiến họ như "mở cờ trong bụng". Trước đây, khi có quy định về giấy đi đường, người chở gas không hoạt động được, đại lý gas không cung cấp được hàng cho người tiêu dùng.

Báo Lao Động ngày 24.8 có bài Người dân không thể ăn gạo thay cơm nếu không có gas, phân tích người dân trữ lương thực thực phẩm, nhưng không ai trữ gas. Hằng ngày, người dân có thịt cá, có gạo có rau, mà không có gas thì không thể "ăn chín uống sôi" được.

Rất may, TPHCM đã có sự điều chỉnh, từ 29.8, nhân viên vận chuyển gas ở khu dân cư, quy định mới là bình gas đi giao 12kg trở lên, chỉ cần có giấy giao hàng và khai báo y tế là được đi.

Nhưng xin hỏi, nhân viên chở gas đi từ nhà đến đại lý gas, nếu không có giấy đi đường thì làm sao qua được trạm. Nếu họ không đến được đại lý gas thì làm sao chở được gas đến người có nhu cầu, và tất nhiên cũng chẳng kiếm đâu ra hóa đơn giao hàng?

Câu chuyện chở gas này như quả trứng và con gà, mong các nhà quản lý tháo gỡ !

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn