MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Quốc hội

Để người dân không bị oan sai liên quan đến vi phạm nồng độ cồn

Hoàng Văn Minh LDO | 26/05/2024 16:23

“Oan sai” là chữ dùng của đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) khi ông đề cập đến việc người điều khiển phương tiện tham giao thông đường bộ trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh, tức không đến từ rượu bia.

Như Báo Lao Động đã thông tin trong bài viết “Slogan “Đã uống rượu bia thì không lái xe” nhiều khả năng sẽ thành luật”. Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra, Thường vụ Quốc hội không đưa ra nhiều phương án mà chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế để trình thông qua.

Tuy vậy, xung quanh nội dung này, các đại biểu vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau, cần được thảo luận, thống nhất.

Mà nói như đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) là Ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để Quốc hội quyết định sao cho luật thông qua sẽ thấu tình đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân.

Một trong những vấn đề cần cơ sở thuyết phục, cần thấu tình đạt lý là Khoản 2, Điều 10, quy định nghiêm cấm hành vi “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đặt vấn đề rất thiết thiết thực, “động” đến đúng điểm quan tâm và lo ngại lâu nay của người dân là quy định cấm nêu trên đã thực sự đầy đủ, chặt chẽ hay chưa?

Liệu có dẫn đến việc có trường hợp bị xử lý oan sai hay không, nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh (tức không uống rượu bia nhưng vẫn dính nồng độ cồn khi kiểm tra)?

Và thực tế, như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết: “Về nồng độ cồn nội sinh đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm, có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệch kết quả xử lý”.

Như vậy, vấn đề đặt ra là việc xác định nồng độ cồn nội sinh là “chưa có căn cứ rõ ràng”, chứ không phải là không có căn cứ; “thực tiễn phát hiện là rất hiếm” chứ không phải là không có.

Theo quy định hiện hành của năm 2024, mức phạt về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy hiện nay từ 2-8 triệu đồng tùy nồng độ cồn. Mức phạt đối với người điều khiển ôtô từ 6 - 40 triệu đồng tùy mức độ cồn.

Đây là những con số rất lớn, tác động đến rất nhiều vấn đề của đời sống khi so với thu nhập trung bình của số đông người dân. Đôi khi một lần vi phạm, nộp phạt là mất luôn cả số tiền dành dụm cả một năm hoặc nhiều năm.

Vậy nên, vấn đề nồng độ cồn nội sinh cần được quy định chặt chẽ trong luật, để tránh việc xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu và đồ uống có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ngay cả việc “trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệch kết quả xử lý” cũng cần có quy định cụ thể, thuận lợi nhất cho người dân.

Tránh tình trạng người dân “được vạ thì má sưng”, đôi khi thiệt hại do thời gian và công sức bỏ ra để khiếu nại còn nhiều hơn số tiền phải nộp phạt!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn