MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Để người nông dân luôn nở nụ cười trên đất của mình

Hoàng Văn Minh LDO | 02/01/2024 11:34

Làm sao cho người nông dân luôn nở nụ cười trên môi, trên đất của mình? Đó là câu hỏi nhưng cũng là “đầu đề” của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 tại Hà Nội và 62 điểm cầu trên cả nước trong ngày cuối năm cũ.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để người nông dân luôn nở nụ cười trên môi, trên diện tích đất của mình thì trước hết phải chuyển đổi tư duy kinh tế. Và cần chuyển mạnh, chuyển ngay chuyển sớm để tối ưu hóa về mặt giá trị chứ không tối ưu hóa sản lượng.

"Đây là chuyển đổi tư duy quan trọng, để làm sao không bóc lột quá nhiều đất đai. Quan trọng vẫn là sản xuất bán được ở đâu, thu được bao nhiêu chứ ko phải sản xuất được bao nhiêu", ông Dũng nói.

Và để bán được ở đâu, thu được bao nhiêu, thì theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: "Bà con phải tự chủ và phải xây dựng mô hình sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo quy hoạch và theo quy luật thị trường. Chúng ta cần sản xuất cái mà thị trường cần chứ không nên làm cái mình có".

Những yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra cho ngành nông nghiệp, với người nông dân không mới về câu chuyện thị trường. Nhưng lại luôn thời sự bởi ngành nông nghiệp của chúng ta từ lâu đang tồn tại rất nhiều nghịch lý.

Ví như Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân sản xuất ra lúa gạo vẫn nghèo, nghĩa là cây lúa không mang lại lợi nhuận đáng kể cho người sản xuất.

Ví như, dù đang là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng nông nghiệp vẫn là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế và người trồng lúa cũng là người có thu nhập thấp nhất trong ngành nông nghiệp.

Ví như ngành nông nghiệp của chúng ta bao nhiêu năm nay đang vướng phải một “lời nguyền” chưa được hóa giải là được mùa mất giá. Và người nông dân cứ quanh năm “chạy theo đuôi giá cả” bằng cách phá cam trồng cà phê, phá cà phê trồng tiêu, phá tiêu trồng sầu riêng…

Để người nông dân luôn nở nụ cười trên môi, trên diện tích đất của mình thì trước hết cần chuyển đổi tư duy, xóa bỏ những nghịch lý. Nhưng chuyển đổi tư duy không chỉ đến từ phía người nông dân hay Bộ NNPTNT mà còn “cần cả hệ thống, cần các cấp vào cuộc” để tạo sự gắn kết chặt chẽ như lời Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội hồi cuối năm ngoái.

Vào cuộc, trước hết để đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023: Sản xuất nông nghiệp bây giờ cần có năm thành tố quyết định: Xây dựng thương hiệu như gạo ông Cua (ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" gạo ST25), quy hoạch vùng nguyên liệu, có doanh nghiệp cung ứng đầu vào đầu ra, ngân hàng, khoa học công nghệ.

Vào cuộc, để như lời Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Có những thực tế không thể nói khác được như nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế và người trồng lúa cũng là người có thu nhập thấp nhất trong ngành nông nghiệp. Nhưng chúng có thể thay đổi nó bằng cách làm khác đi!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn