MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: Quốc hội

Đề tài khoa học để ngăn kéo và “những dòng sông không có cây cầu nào”

Hoàng Văn Minh LDO | 09/06/2023 13:26

Chưa thể trả lời được có bao nhiêu công trình nghiên cứu khoa học đang để trong ngăn kéo do “công tác thống kê này là khó”, theo như lời Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Tầm 15 năm trước, trong một cuộc gặp mặt với các trí thức của Đại học Huế, lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế dạo ấy có một ví von rất ấn tượng. Rằng các trí thức, các nhà khoa học của Đại học Huế và cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn, mỗi bên đứng ở một bờ của sông Hương và ở giữa không có cây cầu nào cả.

Những người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế lúc ấy mong muốn rằng, họ sẽ đứng ra làm một cây cầu nối bắc qua sông, để những công trình nghiên cứu khoa học từ Đại học Huế có thể đến được với cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể hoá bằng những sản phẩm ứng dụng mang lại lợi ích cho người dân thay vì để trong ngăn kéo. Đó là một ý tưởng, đề xuất vô cùng hay ho và cấp thiết, nhưng cho đến thời điểm này, nó cũng chỉ được nhắc lại theo kiểu “ký ức vui vẻ” vì thực tế cho thấy, chính quyền rất khó đứng ra để “làm cầu”.

Là bởi, để một công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tế phải đi qua 3 bước cơ bản: Nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu tính ứng dụng của lý thuyết và triển khai nghiên cứu ứng dụng vào thực tế.

Ở các nước phát triển, thường 2 phần đầu do các trường, bộ ngành hoặc Chính phủ đầu tư kinh phí cho các nhà khoa học, còn phần thứ 3 (ứng dụng vào thực tế) thường do các doanh nghiệp đầu tư kinh phí nếu xét thấy ứng dụng đó phù hợp, cần thiết… Trong khi ở Việt Nam, ngoài lĩnh vực y khoa, những đề tài khoa học theo đơn đặt hàng hoặc có thể chào bán được cho doanh nghiệp khi dùng tiền ngân sách để nghiên cứu là không nhiều, nếu không muốn nói là hiếm.

Và thực trạng nghiên cứu khoa học và chuyện “cây cầu” ở Huế, cũng là chuyện chung của cả vùng, của cả nước thời điểm này. Vậy nên có thể hiểu, việc Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trên Quốc hội ngày 7.6 không thể có câu trả lời ngay cho các câu hỏi của đại biểu rằng: Trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó, có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Cũng như với câu hỏi chúng ta đang có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học đang để trong ngăn kéo? Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, sẽ cung cấp số liệu một cách đầy đủ trong thời gian tới, “tuy nhiên phải nói thêm rằng, công tác thống kê này là khó”.

Thật ra thì biết chính xác con số bao nhiêu công trình nghiên cứu khoa học đang nằm trong ngăn kéo, hiểu theo nghĩa vô bổ, không ứng dụng được bây giờ chưa phải là điều quan trọng lắm. Cần nhất bây giờ, là làm sao để có được một “cây cầu” nối cũng như giải pháp hữu hiệu để giải quyết câu chuyện cung - cầu giữa các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp. Là lời giải cho bài toán lâu nay các nhà khoa học thường nghiên cứu những đề tài mà cộng đồng doanh nghiệp không cần, trong lúc cái họ cần thì lại không có nhằm tránh sự lãng phí rất lớn nguồn lực, chất xám.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn