MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để tăng lương không phải là khuyến khích ngược

Anh Đào LDO | 13/05/2018 11:46

Cải cách chính sách tiền lương không phải là việc cần phải làm, mà là việc buộc phải làm..., nhưng sẽ vô nghĩa nếu điều chỉnh lương, chăm lo phúc lợi trong bối cảnh bộ máy hành chính công vẫn cồng kềnh và thiếu minh bạch như thế này- TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nói.

Hội nghị Trung ương 7 vừa kết thúc với một nghị quyết mang tính đổi mới về lương. Tựu chung có thể ngắn gọn trong một câu: “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ”.

Lời khẳng định thực sự là ấn tượng, tạo ra niềm lạc quan mang tính động lực cho đông đảo những người hưởng lương cũng như dư luận xã hội.

Lương hiện tại đang quá thấp. TS Huỳnh Thế Du tính toán, từ 1995, lương đã qua 16 lần điều chỉnh tăng cơ sở, từ mức 120.000 đồng lên mức 1.390.000 đồng (từ 7.2018 tới đây), song thực tế công chức vẫn luôn than vãn “lương không đủ sống”. Đội ngũ giáo viên cũng “lương không đủ sống”; công nhân lao động thì không đủ cả với một cuộc sống tối thiểu. Chưa kể rất nhiều những vô lý. Chẳng hạn bác sĩ, một ngành đỏi hỏi quá trình đào tạo lâu dài, mang tính chuyên môn hóa cực cao, nhưng chỉ hưởng mức khởi điểm tổng cộng là 2,7 triệu đồng.

Đúng, tăng lương không chỉ là cấp bách, bắt buộc nữa rồi.

Nhưng để cuộc cách mạng tiền lương từ hội nghị Trung ương 7 lần này đi vào cuộc sống, rõ ràng không thể không tính đến những “cấp bách” khác.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 vừa được công bố hồi đầu tuần cho thấy một khía cạnh không thể không suy nghĩ: Năng suất lao động Việt Nam tăng trưởng ở mức độ hạn chế và không cải thiện nhiều. Ở một số ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi và truyền thông, năng suất lao động ở Việt Nam hiện thấp nhất trong các nước so sánh, xếp sau cả Campuchia.

Tại khu vực công, nếu như  báo cáo kinh tế - xã hội năm 2016-2017, Chính phủ đặt mục tiêu kiên quyết tinh giản 1,5%  biên chế, tương ứng 3.868 người thì cũng báo cáo Chính phủ, vừa tuần trước, cho biết bộ máy đang thừa 57.000 biên chế.

Để việc tăng lương không trở thành vô nghĩa, rõ ràng cái cấp bách đầu tiên là phải tinh giản đúng mục tiêu, tinh giản đúng là phép trừ trong khu vực công và nâng cao năng suất lao động tại khu vực DN.

Một lần tăng lương là một lần gây áp lực lên ngân sách. Năm 2017, tổng chi ngân sách Nhà nước vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, thì khoảng 400.000 tỷ dành cho chi trả lương, trợ cấp. Và TS Huỳnh Thế Du hoàn toàn đúng, rằng: Việc trả lương cán bộ công chức trong khu vực hành chính công là phân phối lại phụ thuộc vào ngân sách từ sự đóng góp của dân, từ tiền thuế.

Bởi thế, sẽ là khuyến khích ngược, sẽ là cào bằng nếu việc tăng lương không loại trừ được số công chức dư thừa, không loại bỏ được đội ngũ công chức cắp ô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn