MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa là "thương hiệu Huế" trong Quy hoạch tỉnh vừa được Chính phủ thông qua. Ảnh: Trương Vững

Để “Thành phố đáng sống", "nơi đáng sống" không phải là những mục tiêu mơ hồ

Hoàng Văn Minh LDO | 09/01/2024 17:03

Đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và trở thành nơi đáng sống...

Đó là một trong những nội dung của Quy hoạch tỉnh Tiền Giang, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Chính phủ phê duyệt.

“Nơi đáng sống” là một biến thể của “thành phố đáng sống” về mặt câu chữ, khởi nguồn từ Đà Nẵng từ hơn chục năm trước.

Và hiện nay, nó được xuất hiện với tư cách “đích đến” trong rất nhiều bản quy hoạch tỉnh, thành vừa được Chính phủ phê duyệt trong năm 2023 và đầu năm 2024.

“Thành phố đáng sống” - như Đà Nẵng là một sự “mệnh danh” của người ngoài và có chút “thậm xưng” của người trong.

Và ngày từ năm 2018, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã tiên phong khởi xướng một đề án nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí “thành phố đáng sống” để tạo sự chính danh cho tên gọi. Đồng thời mục tiêu vừa là động lực phấn đấu để thành phố Đà Nẵng bước vào sân chơi giữa các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, bộ tiêu chí “thành phố đáng sống” vẫn chưa thể ra đời bởi rất nhiều lý do.

Việc xây dựng để địa phương mình trở thành một nơi đáng sống là chuyện hiển nhiên phải làm cho dân, cho nước. Tuy nhiên, "đáng sống" hay không đáng sống thì không nên là đích đến trong các bản quy hoạch.

Bởi thực tế cho thấy, “thành phố đáng sống” hay “nơi đáng sống” là những khái niệm có phần mơ hồ, thiên về định tính và ý chí. Trong khi những bản quy hoạch - cơ sở và định hướng cho sự phát triển trong tương lai của các địa phương - lại cần sự định lượng, các con số và cơ sở khoa học.

Và quy hoạch cần lựa chọn vấn đề, các đặc trưng riêng và lợi thế vượt trội của địa phương để định hướng phát triển chứ không thể địa phương nào cũng giống địa phương nào, thậm chí sao chép nhau về ý tưởng và cách làm như đang thấy trong lĩnh vực du lịch.

Đặc trưng riêng và lợi thế vượt trội, có thể ví dụ “thương hiệu Huế” - một trong những yêu cầu mà các chuyên gia thẩm định quy hoạch từ các bộ ngành đã “bắt buộc” địa phương này phải thực hiện và Thừa Thiên Huế đã đáp ứng được trong bản quy hoạch tỉnh cũng vừa được Chính phủ thông qua.

“Thương hiệu Huế” trong quy hoạch, đó là việc xác định tổ chức không gian phát triển theo hướng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương; chú trọng bồi đắp và phát huy mạnh mẽ giá trị di sản, văn hóa Huế, con người Huế.

Điều này phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 54 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế…

Quy hoạch phát triển mà cứ mơ hồ, không xác định được đặc trưng riêng và lợi thế vượt trội của địa phương mình, thì cũng giống như sự vô lý của một thời, khi địa phương nào cũng hướng đến hoặc "bị" trở thành đầu tàu kinh tế và hầu như không có ai làm đuôi tàu!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn