MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh chờ con thi tốt nghiệp THPT môn Văn sáng nay. Ảnh: Lao Động

Đề thi môn Văn vẫn không thoát được đặc tính an toàn và dễ đoán

Hoàng Văn Minh LDO | 28/06/2023 15:42

Không bất ngờ khi câu nhiều điểm nhất – 5 điểm của đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT sáng nay là một trích đoạn trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.

Sáng nay, khi các thí sinh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chuẩn bị bước vào phòng thi để làm bài thi môn Văn, thì nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, trên trang cá nhân của mình đã bày tỏ một ước muốn.

Đại để nhà văn mơ rằng đề thi Văn sáng nay, ước gì sẽ là những dạng thức đề mở kiểu: “Hãy viết cảm nhận của bạn về một tác phẩm văn học mà bạn đã đọc, bạn thích, bạn nhớ và bạn muốn người khác cũng đọc tác phẩm đó”.

Nhưng nhanh thôi, đề thi môn Văn, sau đó xuất hiện trên truyền thông lại vẫn là phân tích một đoạn trích trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân để từ đó “nhận xét góc nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích”.

Trước hết, đây là một đề quen bởi nhiều năm trở lại đây, đề Văn thi tốt nghiệp THPT tới lui cũng chỉ là trích đoạn tác phẩm của những nhà văn đã có trong sách giáo khoa với những Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Tuân, Kim Lân…

Đây là một đề Văn “vừa sức” – như nhận xét của nhiều thí sinh trên Lao Động sau khi môn thi kết thúc. Đề thi này còn thể hiện sự an toàn - theo như nhận định của các giáo viên Văn THPT thường xuyên chấm thi.

An toàn trước hết đến từ thí sinh bởi đề thi dạng này đã được giáo viên cho học sinh “làm thử” rất nhiều trong các buổi học thêm, nên chắc chắn sẽ khó có điểm thấp, sẽ không bị ảnh hưởng lớn đến kết quả xét tuyển vào đại học.

Thậm chí bây giờ, thay cho văn mẫu, thí sinh còn được trang bị hẳn một “công thức”, ví dụ như với đề thi liên quan đến trích đoạn của Kim Lân thì mở đầu thế nào, thân bài thế nào, kết thúc thế nào… cứ thế mà ráp vào thì ít lắm cũng lấy được 4 điểm.

Nên ngay cả câu nghị luận 2 điểm, yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ suy nghĩ về sự cần thiết phải cân bằng cảm xúc trong cuộc sống, đọc qua tưởng là mở, là mới. Nhưng thực tế, đây cũng là một yêu cầu quen và thí sinh cũng đã được trang bị “công thức” để lấy điểm.

An toàn còn đến cả từ phía giáo viên chấm thi. Bởi theo lời một giáo viên từng ra đề thi tốt nghiệp môn Văn THPT, thì không phải người ra đề không hiểu, không ý thức được việc lợi hại khi cho một đề thi mở nhằm phát huy tối đa sức sáng tạo của học sinh đối với văn chương. 

Tuy nhiên, nếu ra đề như vậy thì vô hình dung lại làm khó giáo viên chấm thi – những người lâu nay vốn đã quen với việc dạy, chấm những đề thi quen thuộc.

Hy vọng về một đề thi Văn không còn quen và an toàn nữa, sẽ có cơ hội xuất hiện trong thời gian tới đây khi các trường THPT áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2022 -2023.

Dù rằng, sau một năm vận hành, cảm giác của nhiều giáo viên môn Văn ở các trường THPT vẫn là vừa dạy vừa run bởi không biết tới lúc đó “chúng em” sẽ chấm thi kiểu gì khi mà sự an toàn đã trở thành phản xạ có điều kiện! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn