MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để xe đạp là phương tiện được lựa chọn đi lại, không phải chơi theo phong trào

Lê Thanh Phong LDO | 12/01/2024 11:20

Nhiều địa phương triển khai dịch vụ xe đạp công cộng như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Huế... nhưng cho đến nay, dịch vụ này chưa được người dân lựa chọn như một phương tiện đi lại chủ lực.

Người dân đi xe đạp để dạo chơi, theo kiểu phong trào, không phải để đi lại hằng ngày, không xem là phương tiện công cộng như xe buýt, metro. Đó là điều mà các nhà quản lý cần quan tâm, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

Dân mình có thói quen đi xe máy, chỉ một đoạn vài trăm mét cũng chạy xe máy, vài cây số cũng xe máy. Trong lúc, với quãng đường ngắn, có thể đi bộ, vài cây số đi xe đạp là phù hợp. Lạ hơn nữa, rất nhiều người không đi bộ hay đạp xe trong di chuyển hằng ngày, nhưng chiều hoặc sáng, bỏ hàng tiếng đồng hồ để đạp xe hoặc đi bộ.

Cho nên, để "cải thiện" tình trạng hạn chế khai thác dịch vụ xe đạp công cộng hiện nay, trước hết phải tuyên truyền cho người dân hiểu biết rằng, lựa chọn xe đạp để đi lại là một cách rèn luyện, xem đó là một bộ môn thể thao, có lợi cho sức khỏe.

Đồng thời, phải lan tỏa những kiến thức, hình ảnh, thông tin về các quốc gia văn minh trên thế giới là những quốc gia có đông đảo người dân lựa chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển trong thành phố, Hà Lan là một ví dụ.

Tháng 11 năm trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dạo phố dưới tiết trời thu Hà Nội bằng xe đạp, qua các phố xung quanh khu vực Hoàng thành Thăng Long gồm: Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ... Đó là thông điệp của hai Thủ tướng gửi đến cộng đồng, đó là "thông điệp xanh".

Một trong những giá trị xanh mà con người đang nỗ lực xây dựng, đó là không khí, và đạp xe là cách để hạn chế tối đa khí thải. Hãy tuyên truyền đến từng cơ quan, tổ chức, trường học về việc đạp xe sẽ góp phần làm xanh hóa môi trường sống, để bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Chính quyền vận động các cơ quan, công ty kêu gọi công chức, viên chức, nhân viên, người lao động tham gia dịch vụ xe đạp, thay cho xe máy, ôtô.

Các đoàn thể, hội thanh niên, phụ nữ nên tổ chức các câu lạc bộ những người yêu xe đạp, lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi lại. Hãy làm việc này thường xuyên, liên tục, bền bỉ mới có kết quả, làm theo phong trào thì chỉ "vui vẻ chóng qua".

Nhưng muốn người dân lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi lại, thì phải có đường cho xe đạp lưu thông an toàn, thuận lợi. Chính quyền các địa phương phải tổ chức giao thông ưu tiên cho người đi xe đạp, người dân thấy quyền và lợi ích thực sự khi đi xe đạp, thì chắc chắn ngày càng nhiều người tham gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn