MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là một trong những di sản văn hóa có giá trị lớn được hồi hương về Việt Nam. Ảnh: Cục Di sản văn hóa cung cấp

Đề xuất cấm bán cổ vật ra nước ngoài sẽ khó thực hiện

Hoàng Văn Minh LDO | 12/01/2024 21:31

Bộ VHTTDL đề xuất di vật, cổ vật thuộc sở hữu tư nhân chỉ được chuyển nhượng, cho tặng, kế thừa trong nước, không được phép bán ra nước ngoài.

Bộ VHTTDL đề xuất sửa đổi một số điều về quản lý và chuyển nhượng cổ vật, nhằm tránh tình trạng “chảy máu” cổ vật và chống buôn bán trái phép di sản văn hóa theo Công ước 1970 của UNESCO.

Theo Bộ Tư pháp, Hồ sơ thẩm định dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được thẩm định.

Một trong những đề xuất đáng chú ý, được đông đảo dư luận quan tâm là hiện Luật Di sản văn hóa cho phép mua bán, trao đổi, tặng cho và thừa kế di vật, cổ vật không thuộc sở hữu nhà nước ở cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, Bộ VHTTDL cho rằng, quy định này cần nghiên cứu bãi bỏ để siết chặt việc mua bán di vật, cổ vật ra nước ngoài, tránh tình trạng "chảy máu" cổ vật và chống buôn bán trái phép di sản văn hóa.

Đề xuất này không mới! Trước khi có Luật Di sản văn hóa hiện hành (ra đời năm 2001), chúng ta từng cấm không cho phép mua bán, trao đổi, tặng cho và thừa kế di vật, cổ vật không thuộc sở hữu nhà nước ra nước ngoài.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, quy định này phát sinh rất nhiều bất cập, không thực hiện được nên buộc phải bãi bỏ đối với “di vật” và “cổ vật”, chỉ cấm đối với “báu vật” do nhà nước quản khi ban hành Luật Di sản văn hóa như đã thấy.

Bây giờ nếu quay lại chuyện cấm như trước khi có Luật Di sản văn hóa hiện hành thì chắc chắn sẽ lặp lại những bất cập, khó khăn về mặt quản lý.

Trước hết, chúng ta phải tốn một đội ngũ nhân sự vô cùng lớn để chuyên canh di vật, cổ vật được đưa ra nước ngoài ở tất cả các sân bay, cửa khẩu, cảng biển…

Và đội ngũ công vụ này ngoài sự liêm chính để không “nhắm mắt cho qua" thì còn phải có trình độ chuyên môn hàng chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực thẩm định cổ vật mới có thể phân biệt được đâu là di vật, đâu là cổ vật, đâu là hàng giả, đâu là hàng thật...

Tuy nhiên, các yêu cầu này đặt ra trong bối cảnh hiện nay có thể nói là không đáp ứng được trên quy mô toàn quốc.

Vấn đề nữa là ví dụ, gia đình một người A từ Việt Nam ra nước ngoài định cư. Khi đi, họ mang theo những bức tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân chẳng hạn. Đây là những bức tranh thời mỹ thuật Đông Dương có tuổi đời trên 100 năm nên được xác định là cổ vật, theo luật thì không cho mang đi.

Nhưng nếu luật can thiệp vào thì lại nảy sinh chuyện xâm phạm vào tài sản hợp pháp của công dân, lúc này phải giải quyết thế nào?

Đó là chưa nói đến việc lệnh cấm này sẽ đi ngược lại với thông lệ tự do buôn bán, đấu giá cổ vật của quốc tế. Cũng như vô hình dung chúng ta lại tách ra, đứng ngoài những cuộc chơi đấu giá có tính liên thị trường ở bên ngoài.

Ý tưởng có tính khả thi nhất lúc này mà Bộ VHTTDL nên làm, vẫn là cần đề xuất ban hành những văn bản pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài cũng như những chính sách khuyến khích thích hợp để làm sao “hồi hương” được hàng trăm cổ vật và báu vật đang lưu lạc ở nước ngoài vì lý do lịch sử!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn