MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quảng cáo "thần dược ba đời" xuất hiện tràn lan trên ti vi và mạng xã hội. Ảnh: Trần Tuấn

Đề xuất cắt Internet người vi phạm và những kỷ lục đáng xấu hổ trên mạng

Hoàng Văn Minh LDO | 21/07/2023 10:13

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất biện pháp cắt Internet, nhằm xử lý nhanh vi phạm trên môi trường mạng.

Đề xuất được đưa ra trong dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định số 72 năm 2013 và Nghị định 27 năm 2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố để lấy ý kiến.

Vi phạm trên môi trường mạng ở Việt Nam, giờ rất phổ biến và đa dạng. Nó không chỉ gói gọn ở phạm trù “cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên mạng xã hội” như dự thảo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vi phạm trên mạng còn phổ biến ở lĩnh vực kinh doanh với những kỷ lục buồn và đáng xấu hổ.

Như tại Hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN) tổ chức ở TP. HCM mới đây, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Cứ 100 đồng tiền kiếm được từ hành vi gian lận trên YouTube, có 55 đồng của người dùng Việt Nam.

Chúng ta đứng đầu danh sách vi phạm bản quyền. Có kênh livestream bóng đá lậu như Xôi Lạc TV. Có kênh lại mua phim đồi trụy của Nhật Bản, cắt thành nhiều phim ngắn rồi đóng gói, bán cho khán giả Mỹ".

Ông Lâm cho biết quốc gia đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng cũng chỉ chiếm 5% thu nhập gian lận, bằng một phần mười Việt Nam. Tuần trước, Apple cũng thông báo gỡ hơn 8.000 ứng dụng vi phạm có nguồn gốc Việt Nam, không ít trong số đó là ứng dụng về sáng tạo nội dung.

Đây là những thứ hạng – kỷ lục đáng xấu hổ, phơi bày thực trạng làm ăn, kiếm tiền bằng cách gian lận, bất chấp các quy chuẩn đạo đức của một bộ phận người Việt trên không gian mạng, đáng bị lên án.

Một kỷ lục khác trên mạng, không liên quan đến gian lận nhưng cũng gây băn khoăn, không biết nói thế nào là vào năm 2007, lần đầu tiên số câu lệnh tìm kiếm có từ "sex" xuất phát từ các địa chỉ IP Việt Nam nhiều nhất trên trang thống kê Google Trends.

Những năm sau này, dù có trồi sụt, nhưng Việt Nam vẫn luôn ở top 10 về số câu lệnh tìm kiếm có từ "sex" theo thống kê của Google.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xử lý một vài “án điểm” như trường hợp tài khoản Thơ Nguyễn đã gần được nút Kim cương trên YouTube nhưng sau khi có nội dung vi phạm và bị xử lý, kênh này hiện gần như "đã chết".

Và theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, thì "sắp tới sẽ có thêm nhiều chế tài để hạn chế người làm nội dung bẩn không thể kiếm tiền, không thể tiếp cận được với công chúng".

Xử lý những đối tượng vi phạm trên mạng, những người kiếm tiền bằng cách gian lận, bằng nội dung bẩn, độc hại… là việc làm không chỉ cần thiết, cần mạnh tay. Người dân không chỉ ủng hộ mà còn hối thúc cơ quan chức năng phải làm nhanh, làm triệt để và không được “đánh trống bỏ dùi”...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn