MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay. Ảnh: Quốc hội

Đề xuất Công đoàn trực tiếp khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm là một bước tiến

Hoàng Văn Minh LDO | 24/11/2023 11:33

Cả nước đang có 198.000 doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nguy cơ mất trắng 2.500 tỉ đồng.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 23.11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã công bố những con số choáng váng.

Số tiền doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH trong giai đoạn 2016-2022 khoảng gần 10 nghìn tỉ đồng/năm. Trong năm 2022, số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198.000 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH.

Về những hệ lụy mà người lao động phải gánh chịu, theo báo cáo của Chính phủ, tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người và trong đó, số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỉ đồng.

Doanh nghiệp nợ BHXH là chuyện không mới. Thời gian qua, các cơ quan đã nhiều lần trao đổi, đưa ra giải pháp, nhưng hiệu quả vẫn thấp, gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Và tại phiên thảo luận, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy đã đề xuất một giải pháp mới được nhiều nước đang áp dụng là cần có quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển về cho cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội.

Hành vi trốn, chậm, nợ đọng bảo hiểm xã hội được xử lý hình sự như pháp luật quản lý thuế nên không có tình trạng trây ỳ, trốn, chậm đóng kéo dài.

Đề nghị đáng chú ý nữa, đến từ đại biểu Nguyễn Thị Thủy, là cùng với việc sửa Điều 13 của Luật Bảo hiểm xã hội, sẽ sửa đồng thời các quy định có liên quan tại Bộ luật Tố tụng dân sự và sửa đổi Luật Công đoàn.

Theo đó, đề nghị giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay. Đồng thời quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần phải có ủy quyền của người lao động.

Đây là một đề nghị hợp lý và khả thi. Xuất phát từ khó khăn lâu nay của tổ chức Công đoàn là họ rất muốn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH để đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Và thực tế thời gian qua, đã có một số tổ chức Công đoàn địa phương, điển hình như Liên đoàn Lao động Đà Nẵng đã khởi kiện thắng, đòi được hàng tỉ đồng tiền nợ cho người lao động.

Tuy nhiên, con số này lại chưa nhiều do nhiều người lao động ngại, sợ…, không dám ủy quyền cho tổ chức Công đoàn khởi kiện các ông chủ của mình để đòi quyền lợi nên Công đoàn cũng lực bất tòng tâm.

Vậy nên, nếu đề xuất này được thông qua thì đây sẽ là một bước tiến mới của tổ chức Công đoàn trong việc có thêm công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn