MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vụ hành hung bác sĩ từng xảy ra. ảnh: Internet

Để y - bác sĩ không bị hành hung

Lê Thanh Phong LDO | 08/04/2017 11:32
Một người tấn công người khác trên đường vì va chạm giao thông, điều đó đã không thể chấp nhận, huống gì tấn công nhân viên y tế đang làm việc trong bệnh viện. Cho nên, tăng cường an ninh, trật tự trong bệnh viện không chỉ là bảo vệ hơn nửa triệu người lao động trong các cơ sở y tế, mà là xây dựng văn minh xã hội, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho cộng đồng.
Trình bày tham luận tại Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế” diễn ra tại Hà Nội ngày 7.4, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - cho rằng, trước hết là người trong ngành phải tự xem lại mình, đó là thái độ ứng xử với bệnh nhân tốt chưa. Nhân viên y tế phải có sự cảm thông, chia sẻ được với từng trường hợp người bệnh và gia đình họ. Cho dù đa số y-bác sĩ là những tấm gương tốt, nhưng chỉ cần có một vài trường hợp không giữ được y đức thì sẽ gây bức xúc không chỉ cho cá nhân người bệnh.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân phản ứng tiêu cực xuất phát từ thái độ thiếu ân cần của nhân viên y tế, nhưng còn một phía khác, đó là từ sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Phần lớn trường hợp tai biến y khoa có nguyên nhân khách quan, nhưng nhiều người thiếu kiềm chế, tấn công y-bác sĩ. Hành vi thiếu tôn trọng thầy thuốc và gây mất an toàn trong môi trường bệnh viện thì không thể lấy lý do bức xúc ra để biện hộ. Có điều, đa số trường hợp tấn công nhân viên y tế chưa được xử lý thích đáng.
Một nội dung quan trọng được nêu ra, đó là pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế. Tuy nội dung này chưa được bàn sâu tại hội nghị, nhưng thử đặt vấn đề, một người gây thương tích cho người khác có khác với một người gây thương tích cho nhân viên y tế ngay trong bệnh viện hay không? Việc này xin đặt lên bàn của các nhà làm luật, nếu có những yếu tố khác biệt thì phải bổ sung bằng các quy định của pháp luật để điều chỉnh. Một bác sĩ bị côn đồ tấn công khi đang khám-chữa bệnh, chắc chắn phải khác với trường hợp xảy ra trên đường phố.
Một nội dung có đặt ra nhưng chưa được bàn tới nơi tại hội nghị, đó là sự phối hợp giữa công an địa phương và bệnh viện. Lực lượng bảo vệ của bệnh viện dù được trang bị tốt đến đâu, nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, cũng phải có sự tham gia của công an. Hiện nay, đa số bệnh viện chưa có sự phối hợp với công an, đó là một thiếu sót cần khắc phục. Lê Thanh Phong

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn