MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca sĩ Quang Dũng tại đêm nhạc Trịnh Công Sơn trong Tuần lễ Festival Huế. Ảnh: Lê Đình Hoàng.

Đen Vâu không thể hát Festival Huế và sự bất cập của đấu thầu nghệ thuật

Hoàng Văn Minh LDO | 17/06/2024 10:37

Tuần lễ Festival Huế vừa kết thúc có một sự cố rất đáng bàn khi hàng loạt ca sĩ đình đám không thể xuất hiện như quảng bá trước đó do "hậu quả" của Luật Đấu thầu.

Trong cuộc họp báo trước Tuần lễ Festival Huế tổ chức tại Hà Nội, ban tổ chức lễ hội cho biết trong Tuần lễ Festival Huế 2024, sẽ có sự xuất hiện của hoa hậu Ngọc Hân cùng những ca sĩ đình đám như Đen Vâu, Soobin Hoàng Sơn, Suboi…

Thông tin này được du khách, đặc biệt giới trẻ trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế trông chờ. Bởi đây đều là những nghệ sĩ đang có sức hút với lượng fan đông đảo. Sự xuất hiện của họ sẽ tăng thêm uy tín, hình ảnh và chất lượng của lễ hội.

Tuy nhiên, công chúng tìm mỏi mắt vẫn không hề thấy những cái tên vừa kể xuất hiện ở bất kỳ chương trình nào trong Tuần lễ Festival Huế.

Dĩ nhiên là công chúng thất vọng. Và đã có những lời xầm xì kiểu ban tổ chức Tuần lễ Festival Huế quảng bá một đường nhưng thực tế lại diễn ra một nẻo.

Thật ra, trách ban tổ chức Tuần lễ Festival Huế trong chuyện này thì cũng đúng nhưng cũng có phần oan.

Oan ở chỗ, kết cấu chương trình ban đầu đúng là có tên các ca sĩ vừa kể. Tuy nhiên, đến phút cuối, các nghệ sĩ đó không thể đến Huế được vì một lý do tưởng chừng lãng nhách và không liên quan gì đến lễ hội là sự "xen ngang" của Luật Đấu thầu!

Chuyện là năm 2024 là năm đầu tiên, Festival Huế và tất cả các lễ hội, sự kiện khác của cả nước buộc phải thực hiện đấu thầu công khai các tiết mục nghệ thuật biểu diễn.

Theo quy định của Luật Đấu thầu, đơn vị tham gia đấu thầu nào đưa ra số tiền trúng thầu thấp nhất, đáp ứng đủ các quy định thì sẽ được ưu tiên lựa chọn trúng thầu (tính theo thang điểm).

Điều này dẫn đến chuyện: Ví dụ đơn vị A ngay từ đầu đã làm việc với ban tổ chức Tuần lễ Festival Huế về chủ trương thực hiện, làm kịch bản, kịch bản chi tiết về các chương trình nghệ thuật, trong đó có cam kết về sự xuất hiện của các ca sĩ ngôi sao như Đen Vâu, Soobin Hoàng Sơn, Suboi…

Và khi mời thầu theo luật, ban tổ chức sẽ ghi điều kiện là phải có sự tham gia của “ca sĩ Đen Vâu hoặc tương đương”.

Tuy nhiên đến phút cuối, người trúng thầu không phải là đơn vị A mà là đơn vị B. Đáng nói, đơn vị B không thể mời được ca sĩ Đen Vâu nên họ sẽ chọn phương án “hoặc tương đương”.

Dĩ nhiên, “hoặc tương đương” là phương án hợp lệ, không sai Luật Đấu thầu, dù Đen Vâu "hoặc tương đương" là sự định tính cách nhau một trời một vực.

Chỉ có ban tổ chức Tuần lễ Festival Huế là “sai” với công chúng, với du khách khi cho một thực tế không giống với quảng bá trước đó.

Câu chuyện về những “Đen Vâu” không thể xuất hiện tại Tuần lễ Festival Huế cũng là thực trạng chung, dở khóc dở cười của rất nhiều lễ hội, chương trình nghệ thuật của nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua và không chỉ giới hạn ở việc mời ca sĩ.

Điều này một lần nữa cho thấy, việc “đấu thầu nghệ thuật” theo như quy định của Luật Đấu thầu đã và đang bộc lộ rất nhiều bất cập, cần được những cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Và trong khi chờ đợi sự xem xét thì xã hội hóa để “chỉ định” cho nhà tài trợ đứng ra mời ca sĩ cụ thể thay vì trông chờ vào các nhà thầu là một gợi ý hay, có thể “giải” được những khó khăn, bất cập trước mắt!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn