MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bắt quả tang 2 tàu khai thác cát lậu trên sông Hậu. Ảnh: Đức Trung

Dẹp nạn khai thác cát lậu không chỉ là việc của ngành Tài nguyên và Môi trường

Lê Thanh Phong LDO | 05/06/2024 06:00

“Tôi nghe địa phương báo cáo có tình trạng khai thác lậu dùng vòi hút cát vô tội vạ, gần bờ, rất nguy hiểm”, ông Đặng Quốc Khánh - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói về nạn khai thác cát lậu trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4.6.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) cho biết, thời gian qua, tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở, sụt lún ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tác động khách quan từ thiên nhiên như nước biển dâng, biến đổi khí hậu. Nhưng có một nguyên nhân từ con người - đó là khai thác cát lậu - chính là "nhân tai", không phải thiên tai.

Trên nhiều con sông ở khu vực này, có những nhóm khai thác cát lậu dưới nhiều hình thức. Ngoài những chiếc ghe hút cát đơn lẻ, còn có những đội khai thác núp bóng doanh nghiệp được cấp giấy phép, nhưng mở rộng khu vực khai thác ngoài giấy phép. Những doanh nghiệp này có dấu hiệu về sự bao che của lãnh đạo địa phương, đây là nhóm lợi ích ăn mòn tài nguyên đất nước.

Những nhóm khai thác cát có "bảo kê" này - nói như Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh là "hút cát vô tội vạ". Hậu quả là sạt lở, thiệt hại tài sản của người dân và Nhà nước. Biết bao nhiêu ngôi nhà, con đường, cầu cống bị chìm sâu trong dòng nước.

Nói về băng nhóm khai thác cát có bảo kê, xin đưa ra chân dung điển hình được Báo Lao Động nêu trong bài "Chủ tịch tỉnh An Giang và vụ khai thác cát lậu là điển hình "nhóm lợi ích" đăng 27.12.2023. Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Không chỉ Chủ tịch tỉnh, còn có Phó Chủ tịch tỉnh Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Việt Trí, chưa kể các thuộc cấp.

Còn bao nhiêu địa phương có những băng nhóm như vậy nhưng chưa bị phát hiện, và đây mới là những "tập đoàn" khai thác cát lậu "rất nguy hiểm".

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: “Bộ sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này, nhất là sai phạm có tính liên tục, nối tiếp, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan chức năng điều tra để xử lý nghiêm”.

Rất đúng, phải có cơ quan chức năng điều tra, quét sạch các nhóm lợi ích chia chác tài nguyên đất nước, phá hoại môi trường, gây thiệt hại tài sản của người dân, của xã hội.

Phải xử thẳng tay như đã xử lý Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh An Giang và các thuộc cấp. Để làm được việc này, không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mà còn của cơ quan điều tra các cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn