MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa của một phường ở quận Bình Thủy (Cần Thơ). Ảnh: P.V

Địa phương đi trước, nghị định theo sau

LÊ THANH PHONG LDO | 14/12/2018 07:43
Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban).

Lý do, chờ 2 nghị định làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Một số địa phương đã tiên phong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 như Hà Giang, Lào Cai, Bạc Liêu, Cần Thơ. Những địa phương này rất đáng được tuyên dương, bởi vì thể hiện quyết tâm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Đó là thể hiện sự năng động, sáng tạo, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Chỉ nói mà không làm, hoặc làm chậm chạp, kéo dài, mất thì giờ của đất nước ghê gớm. Chậm cải cách, còn đánh mất đi thời cơ để phát triển.

Bộ Nội vụ đề nghị tạm dừng để chờ Nghị định cũng có lý lẽ, vì phải làm thống nhất, không phải mỗi nơi một cách, nhưng hãy làm nhanh, đừng để cả nước phải chờ Bộ Nội vụ soạn thảo và trình Nghị định lên Chính phủ.

Đây chính là điển hình của đời sống đi trước, cụ thể ở đây là địa phương đi trước, Nghị định theo sau. Thẳng thắn mà nói, các địa phương tích cực làm, thì đừng để phải chờ đợi quá lâu về những công việc của Bộ Nội vụ, đừng vì sự chậm trễ của Bộ Nội vụ mà làm chậm cải cách của cả nước.

Một nội dung khác, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 21/2010 và Nghị định 110/2015 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức từ nay đến ngày 7.2.2019. Theo đó, người đứng đầu sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật; đưa vào xem xét phân loại đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.

Đồng thời, người đứng đầu phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng, không đúng quy định về quản lý, sử dụng số biên chế công chức.

Rất ủng hộ quy định này, bởi vì nếu không bắt buộc bồi hoàn kinh phí, thì cứ nhắm mắt nhận bừa, biên chế không giảm mà tăng là vì vậy.

Nhưng phải thấy rằng, nếu chỉ bắt đền tiền thôi chưa đủ, biết đâu tiền “nhận” cao hơn tiền bồi thường. Cho nên, phải xử lý kỷ luật, tùy theo mức độ, nhưng không thể để một cán bộ lãnh đạo làm không tròn trách nhiệm tiếp tục tại chức, chỉ có cách đó mới sợ. Làm sai mà vẫn tại vị trên ghế thì ai cũng dám làm sai. Còn nếu làm sai sẽ bị kỷ luật, cách chức thì đố ai dám sai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn