MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Y tế dự kiến đến cuối năm 2024, giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 9%. Ảnh: Lao Động

Dịch vụ y tế sẽ tính đúng, tính đủ, nhưng bệnh nhân không thể là “Thượng đế”

Hoàng Văn Minh LDO | 18/07/2023 11:53

Bộ Y tế cùng các bệnh viện đang xây dựng khung giá hơn 10.000 dịch vụ, kỹ thuật y tế theo hướng tính đúng tính đủ, trong lộ trình tăng viện phí sắp tới.

Khung này sẽ được làm cơ sở để Bộ Y tế điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, trong bối cảnh viện phí được cho là đang lạc hậu. Giá dịch vụ y tế mới dự kiến áp dụng tại các cơ sở y tế công lập, khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.1.2024.

Theo lý giải của Bộ Y tế thì giá dịch vụ y tế hiện hành mới kết cấu được hai yếu tố là tiền lương và chi phí trực tiếp, chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị. Đặc biệt là giá nhiều dịch vụ kỹ thuật ban hành từ gần 20 năm trước, cần phải cập nhật, điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ.

Bộ Y tế dự kiến đến cuối năm 2024, giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 9%, trong đó chi phí do điều chỉnh lương cơ sở kết cấu vào giá chiếm 5%, còn lại là chi phí quản lý.

Lâu nay, ngay cả khi Bộ Y tế và các bệnh viện “tính sai, tính thiếu” thì người bệnh cũng đã phải oằn lưng chi trả viện phí, rất nhiều người bị bệnh nan y phải bán cả nhà cửa ruộng vườn.

Bởi "tỉ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình cho y tế ở mức cao", như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại một Hội nghị trực tuyến toàn quốc hồi tháng 8 năm ngoái.

Trong khi đó, BHYT tự nguyện hiện vẫn đang được BHXH các địa phương đi vận động với rất nhiều ưu đãi nhưng vẫn chưa thể phủ kín toàn dân. Còn với BHYT bắt buộc, người bệnh vẫn phải chi trả từ 20 - 40% tuỳ theo bệnh và dịch vụ.

Một gánh nặng khác, cũng đã và đang đè lên vai người bệnh và gia đình họ suốt hơn 20 năm nay là chủ trương xã hội hóa Y tế. Không thể phủ nhận là chủ trương này đã mang lại cho bệnh nhân cơ hội được tiếp cận với nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị cũng như góp phần làm thay đổi diện mạo và cả bản chất của hệ thống Y tế Việt Nam.

Tuy nhiên, xã hội hóa cũng lộ rõ mặt trái của nó. Đó là tình trạng lạm dụng thiết bị và các dịch vụ kỹ thuật cao. Thậm chí có bệnh viện khoán các mức thu trên từng bệnh nhân, bệnh án cho các bác sĩ, từ đó tạo ra những cuộc chạy đua chỉ định xét nghiệm, kê đơn...

Đến mức, có bác sĩ từng cay đắng thốt lên là “chúng ta đang xã hội hoá nước mắt”!

Dịch vụ y tế là thứ “hàng hoá” duy nhất mà khách hàng - người bệnh không được quyền lựa chọn và trả giá. Nên mỗi một động thái - dù nhỏ thôi - của Bộ Y tế, các bệnh viện, từng bác sĩ… sẽ có tác động rất lớn đến túi tiền và cả tâm lý của toàn dân, đặc biệt là tầng lớp thu nhập thấp và trung bình.

Tuy vậy, tăng giá dịch vụ y tế bây giờ, cũng như chủ trương xã hội hoá y tế từ hơn 20 năm trước, có lẽ là lựa chọn tối ưu nhất để các bệnh viện cân đối thu chi và cán bộ y tế cũng có điều kiện để tăng thêm thu nhập trong bối cảnh ngành Y tế của chúng ta, còn lâu lắm mới là ngành công ích như nhiều nước trên thế giới.

Nhưng dù có tăng giá thế nào, cũng đừng nên xem bệnh nhân là Thượng đế – khách hàng như các lĩnh vực buôn bán khác để phục vụ - như lời bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế từng kêu gọi tại Diễn đàn quốc gia về chất lượng bệnh viện năm 2013.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn