MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đảm bảo nguồn điện là nhiệm vụ bắt buộc, không thế cứ phụ thuộc vào thời tiết và ông trời. Ảnh Đình Hải

Điện không thể cứ phụ thuộc vào "ông trời"

Hoàng Lâm LDO | 25/06/2023 13:21

Tin vui là EVN thông báo: Từ 23.6, miền Bắc cơ bản đủ điện. Tin đáng lo là: Việc mất điện vẫn phụ thuộc vào mực nước các hồ thuỷ điện, nghĩa là vẫn phụ thuộc vào "ông trời".

Hơn 12 năm trước, khi báo chí hỏi: “Trong tháng 7, liệu có xảy ra tình trạng người dân bị cắt điện nữa không?”, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN Đào Văn Hưng trả lời: “Tôi nghĩ đây là một câu hỏi khó, mà phải là ông Ngọc Hoàng mới trả lời được”.

Ở thời điểm này, nếu nhắc lại câu hỏi này, rằng tháng 7 tới có còn cắt điện, liệu EVN có nhường câu trả lời cho… ông trời?

Cho đến nay chưa có thống kê một cách rõ ràng về những thiệt hại đối với người dân, doanh nghiệp khi bị cắt điện. Trong một khảo sát, đánh giá và tính toán chi phí thiệt hại do mất điện công bố trên Tạp chí Khoa học và công nghệ năm 2020 thì các kỹ sư Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tính rằng: Số tiền thiệt hại mà khách hàng phải chịu dao động trong khoảng 24.620 VNĐ/kWh.

Nghĩa là, nếu một doanh nghiệp tiêu thụ 100 số điện mỗi ngày để sản xuất, nhưng lại bị cắt điện thì thiệt hại tương ứng là 2.462.000 đồng. Đây là tiền chi trả cho việc không sản xuất được; trả thêm tiền cho làm bù thời gian bị mất điện; thiệt hại đối với thiết bị, sản phẩm và nguyên liệu; trả chi phí cho thời gian nhàn rỗi; chi phí để vận hành lại hệ thống; chi phí cho nộp phạt; chi phí trực tiếp cho sức khỏe và an toàn của người lao động khi mất điện…

Đó là chưa kể thiệt hại gián tiếp và những thiệt hại trong tương lai như việc bị trì hoãn việc giao hàng có thể dẫn đến sự không hài lòng của khách hàng, và do đó tổn thất kinh doanh trong tương lai.

Mức thiệt hại nói trên dù chỉ mang tính tham khảo nhưng cho thấy tác động rõ nhất về kinh tế khi nguồn điện không đủ.

Đảm bảo nguồn điện là nhiệm vụ bắt buộc. Điều này được nêu rõ ràng trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045: “Đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia là nền tảng và là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội”. Riêng với điện, Nghị quyết 55 yêu cầu “phát triển nhanh và bền vững các nguồn phát điện với cơ cấu và phân bố hợp lý đảm bảo an toàn, tin cậy, ổn định”.

Cũng cần nhắc lại, chỉ chưa đầy 1 năm sau khi “nhường câu trả lời cho Ngọc Hoàng về chuyện có cắt điện nữa hay không”, tháng 2.2012, ông Đào Văn Hưng bị Thủ tướng miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch EVN vì đã để xảy ra một số sai sót trong quản lý, điều hành tại tập đoàn này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã lập đoàn Thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1.1.2021 đến 1.6.2023. Có thể, Thanh tra sẽ giải đáp được câu hỏi: Việc cung ứng điện có thực sự phụ thuộc bởi… "ông trời".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn