MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đỗ Thị Nhàn (bên trái) và Trương Mỹ Lan thời điểm chưa bị bắt trong vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Chụp màn hình

Điều rút ra từ chuyện nuốt không trôi phải nộp lại tiền vụ Vạn Thịnh Phát

quan LDO | 17/12/2023 17:03

Tấn công tội phạm nhận hối lộ, tham nhũng chỉ thắng lợi trọn vẹn khi thu hồi được tài sản tham nhũng, nếu chỉ khởi tố bắt giam mà để cho tội phạm tẩu tán tài sản thì chỉ thắng lợi một nửa.

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, trừ bà Trương Mỹ Lan và 5 bị can bị truy tố, xét xử vắng mặt, 80 bị can còn lại đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.

Không thành khẩn khai nhận cũng không được, bởi vì các chứng cứ phạm tội, số tiền đưa và nhận hối lộ đã và sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Đã phạm tội thì khó có thể tránh được lưới pháp luật.

Xin được đưa ra vài trường hợp quan chức nhận hối lộ và đã nộp lại tiền khắc phục trong vụ Vạn Thịnh Phát.

Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, đã nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Hưng - cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước nộp 390.000 USD. Bà Nguyễn Thị Phụng - cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II nộp 20.000 USD và 210 triệu đồng...

Còn nhiều người nữa, gần như tất cả cán bộ, quan chức trong đoàn thanh tra liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, từ chức to đến chức nhỏ, không ai không nhận tiền hối lộ.

Trong bài "Cả đoàn thanh tra SCB của Vạn Thịnh Phát không có được một người công chính" đăng ngày 20.11, Báo Lao Động phân tích, chỉ vì mờ mắt trước tiền bạc, các thành viên của đoàn thanh tra đã tạo cơ hội cho bà Trương Mỹ Lan chi phối hoạt động của Ngân hàng SCB để chiếm đoạt 304.096 tỉ đồng. Hậu quả không chỉ là câu chuyện hơn 304 ngàn tỉ đồng bị chiếm đoạt, mà vụ án Vạn Thịnh Phát tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế, thiệt hại cho xã hội vô cùng lớn, không thể tính hết được.

Thử hình dung, nếu vụ án không được phát hiện thì những kẻ trong nhóm tội phạm này đã chia chác nhau số tiền khủng khiếp, và sẽ tiếp tục làm giàu bất chính.

Cho nên, kê biên tài sản của các cá nhân liên quan, bắt buộc nộp tiền khắc phục hậu quả, sẽ giảm bớt thiệt hại.

Nhưng liệu chỉ có những người trong đoàn thanh tra, với những người giữ chức vụ cấp Phó Chánh Thanh tra, Cục trưởng trở xuống, có đủ sức "bảo kê" cho tập đoàn Thịnh Phát làm mưa làm gió suốt từ năm 1992 đến nay.

Phải tiếp tục điều tra, phát hiện những ai, kẻ nào đứng sau lưng, tạo điều kiện cho Vạn Thịnh Phát thực hiện hành vi phạm tội.

Phát hiện ra "nhân vật" nào có hành vi phạm tội, lập tức thực hiện kê biên tài sản, bắt nộp lại tiền hối lộ, tham nhũng, không cho có cơ hội "hy sinh đời bố củng cố đời con". Đó là cách để trị tham nhũng, hối lộ tận gốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn