MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghi phạm bắn chết 2 người với một điếu thuốc trên tay -thay vì chiếc còng số 8 - được chính Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An dẫn giải. Ảnh: VTC

Điếu xì gà trên tay nghi phạm bắn chết 2 người ở Nghệ An

Anh Đào LDO | 02/05/2021 09:41

Công an hoàn toàn có quyền còng tay nghi phạm. Nhưng cái còng số 8 không phải nhất thiết, càng không phải là biện pháp duy nhất.

Dư luận được phen bàn tán sôi nổi sau khi hình ảnh áp giải nghi phạm bắn chết 2 người ở Nghệ An công khai trên mặt báo.

Câu hỏi chung: Vì sao công an không còng tay? Lại còn cho nghi phạm hút thuốc với thần thái khá bình thản. Nhất là khi nghi phạm vừa thực hiện hành vi nguy hiểm đến nghiêm trọng: bắn chết đến 2 người?

Báo chí, dẫn lời Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng: Sự việc “cần nhìn nhận ở góc độ nhân văn”. Theo ông: Biện pháp còng tay chỉ nhằm phòng trường hợp đối tượng chống đối hoặc gây ra những việc ngoài ý muốn. Trường hợp bắt nghi phạm Phú, người này bị dẫn giải giữa vòng vây của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, người thân như thế thì “không thể xảy ra việc đó được”, hơn nữa khoảng cách từ nhà nghi phạm Phú ra xe của lực lượng chức năng đang đậu là rất gần.

Đối với việc cho nghi phạm hút thuốc, Đại tá Hùng giải thích là nhằm giảm căng thẳng cho nghi phạm này sau khi đã cố thủ trong nhà nhiều giờ đồng hồ.

Cái còng số 8, không chỉ là một công cụ trấn áp, khống chế mà còn thể hiện sức mạnh quyền lực pháp luật. Công an hoàn toàn có quyền, hoàn toàn được phép sử dụng còng số 8 trong trường hợp khống chế, áp giải nghi phạm... để giảm khả năng chống cự của họ.

Nhưng việc sử dụng công cụ này được quy định cực kỳ chặt chẽ tại điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng cho thấy biện pháp còng tay, xích chân... ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý, hình ảnh... của những người bị áp chế.

Năm 2017, một trưởng công an xã ở Hải Phòng cũng đã bị xử lý khi lạm dụng còng số 8 để còng tay một người dân một cách trái pháp luật.

Công an có quyền áp dụng biện pháp còng tay - đúng luật. Và ngược lại, công an cũng có quyền không áp dụng biện pháp ấy.

Trở lại với vụ bắn chết người ở Nghệ An. Sau khi huy động lực lượng mạnh, với cả xe đặc chủng, nhưng công an đã chọn biện pháp vận động, thuyết phục, trong ít nhất 6 tiếng đồng hồ, để không cần có thêm một phát đạn, để nghi phạm tự giác buông súng đầu hàng.

Hãy để ý tới người dẫn giải nghi phạm. Đó chính là giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

Ông đã để nghi phạm có thể hút thuốc, thay vì ra lệnh bập chiếc còng vào tay.

Không phải lúc nào cũng phải là súng ống, còng, xích hay chó nghiệp vụ. Một điếu thuốc đúng lúc đúng chỗ giúp nghi phạm trấn tĩnh có tác dụng hơn rất nhiều, tạo ra hình ảnh tích cực hơn rất nhiều so với cái còng số 8.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn