MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát hiện nhiều nơi bán thuốc Monupiravir trôi nổi Ảnh: LĐO

Dính COVID-19 khổ một, mua thuốc Monupiravir khổ mười

Lê Thanh Phong LDO | 06/03/2022 17:15
Trái ngược với việc kiểm soát chặt chẽ và chỉ bán thuốc theo đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc, trên "chợ mạng" lại rao bán nhan nhản thuốc Monupiravir với rất nhiều mức giá khác nhau.

Đó là thông tin trên báo Lao Động, mời bạn đọc theo dõi video "Thuốc Molnupiravir chính ngạch khó mua, trên mạng rao bán cả trăm hộp".

Sau khi thấy có triệu chứng và tự xét nghiệm, nhiều người phát hiện bị nhiễm virus SARS-CoV-2, ngay lập tức đi mua thuốc Molnupiravir để uống, đó là việc cấp bách đầu tiên. Nhưng khi đến hiệu thuốc, không thể mua được vì không có đơn của bác sĩ và không có giấy chứng nhận F0 của y tế địa phương.

Đây là đòi hỏi làm khó người dân, chưa kể gây nguy hiểm cho cộng đồng. Vì sao?

Khi người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, không phải ai cũng có triệu chứng như nhau, có người khỏe, có người rất yếu, lúc đó cần có thuốc càng sớm càng có cơ hội ngăn chặn không để bệnh chuyển nặng.

Thứ hai là người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 cần cách ly với người khác tối đa, có nghĩa là phải hạn chế tiếp xúc. Vậy thì, bắt F0 phải đi gặp bác sĩ để xin đơn, lên y tế phường để xin xác nhận, thì chỉ tăng nguy cơ lây nhiễm. Chưa kể, rất nhiều người bị F0 trong một ngày, ai xử lý cho hết được.

Có một thực tế, có gia đình một người, hai người, ba đến bốn người đều bị nhiễm. Trong đó có người già, trẻ em, ai đi để lo thủ tục chứng minh cho cả nhà bị nhiễm dương tính để được mua thuốc.

Còn nữa, trước đó, F0 phải xét nghiệm mới biết bị nhiễm, tốn tiền cho một kít test. Khi đến bác sĩ xin toa, đến cơ sở y tế xin xác nhận F0 để được mua thuốc, nếu đúng quy trình thì phải test thêm một lần nữa. Chi phí này là một sự lãng phí.

Ngày 3.3, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM về việc mua bán thuốc điều trị COVID-19. Tất cả các cơ sở y tế khi mua bán thuốc điều trị COVID-19 bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định về kê đơn. 

Nhưng xin hỏi, vì quy định này gây khó khăn, nên người dân phải đi mua "chợ đen", vậy thì quản lý thế nào? Thuốc trôi nổi ngoài thị trường là lỗi của nhà quản lý, không phải lỗi của dân. Còn khi người dân bị bệnh, họ phải "vái tứ phương", họ không mua thuốc ở hiệu thuốc được thì buộc họ phải mua ngoài chợ.

Tại phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 5.3, Bộ Y tế cho biết đang theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành" hay như một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu"  khi thời điểm thích hợp.

Bệnh lưu hành, bệnh thông thường hay đặc hữu gì cũng được, nhưng hãy để cho người dân tiếp cận được thuốc điều trị dễ dàng như các bệnh khác, đó là việc mà ngành y tế phải làm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn