MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Hậu Giang về yêu cầu cán bộ viết nhật ký làm việc để đo lường hiệu quả. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Đo lường hiệu quả bằng nhật ký làm việc là cách làm hay

Hoàng Văn Minh LDO | 16/07/2024 12:20

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Hậu Giang về yêu cầu cán bộ viết nhật ký làm việc để đo lường hiệu quả.

Hôm qua (15.7), Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, khi chủ trì phiên họp thứ 8, đã "điểm danh", biểu dương một số điển hình tốt trong cải cách hành chính.

Trong đó, Hậu Giang là một trường hợp tiêu biểu với việc triển khai thêm Đề án 09 năm 2024 quy định về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm được phê duyệt, viết nhật ký làm việc hằng ngày theo mẫu điện tử để định lượng, đo lường và đánh giá hiệu quả công việc gắn với chức trách nhiệm vụ được giao.

Đề án 09 của Tỉnh ủy Hậu Giang, ban hành hồi tháng 1.2024, ban đầu cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Bởi sự “đụng chạm”, cho thấy sự thiếu tin tưởng của lãnh đạo Hậu Giang với cán bộ công chức của mình.

Tuy nhiên sau 6 tháng triển khai, thực tế đã cho thấy lãnh đạo Hậu Giang đúng khi thừa nhận: Bước đầu cho thấy khá nhiều cán bộ không kê hết mốc thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần.

Lãnh đạo Hậu Giang cho biết điều này chứng tỏ cái thiếu hiện nay là "thiếu người biết làm việc" và đã có 4 người dự định xin thôi việc sau quá trình viết nhật ký.

Dĩ nhiên viết nhật ký làm việc hàng ngày không phải là ý tưởng mới. Tuy nhiên, viết nhật ký được Tỉnh ủy Hậu Giang sử dụng làm phương pháp để đo lường, đánh giá chất lượng cán bộ công chức có thể coi là một biện pháp quản lý tiến bộ, nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của cán bộ công chức.

Qua đó, các cấp lãnh đạo có thể dễ dàng kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kịp thời những thiếu sót, nâng cao hiệu quả công việc của toàn bộ hệ thống hành chính. Điều này đặc biệt quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, với yêu cầu về hiệu suất và chất lượng phục vụ nhân dân ngày càng cao.

Phương pháp này giúp hạn chế được tối đa tình trạng cán bộ công chức “tham nhũng thời gian” như cách gọi phổ biến của một thời là “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Và bây giờ, ngoài “tham nhũng thời gian” còn có thêm tình trạng đang phổ biến là cán bộ sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…

Đây còn là một chính sách hợp lý nhằm khuyến khích cán bộ không đáp ứng yêu cầu tự nguyện tinh giản biên chế, tuyển dụng cán bộ trẻ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với vị trí việc làm, phù hợp với yêu cầu phục vụ nhân dân trong tình hình mới.

Phương pháp và cách làm này bước đầu cho thấy rất hay, có hiệu quả, cần được nhân rộng để các địa phương trong cả nước tới đây không “thiếu người biết làm việc”!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn